THỨ NĂM, NGÀY 12 THÁNG 09 NĂM 2024 12:53

Huyện Như Thanh (Thanh Hóa)

Xuất khẩu lao động để thoát nghèo bền vững

Mở rộng cung cấp thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thực hiện Tiểu dự án 3, dự án 5 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 - 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Như Thanh đã ban hành các quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo, quy chế làm việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Như Thanh giai đoạn 2022 - 2025; UBND huyện đã tham mưu tổ chức, triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định công tác đẩy mạnh XKLĐ là một mục tiêu quan trọng giúp nhiều người dân thoát nghèo bền vững, làm giàu.

Những chính sách, lợi ích khi đi XKLĐ

Những chính sách, lợi ích khi đi XKLĐ

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngay khi các quyết định, kế hoạch được ban hành, huyện Như Thanh đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các ngành chức năng, doanh nghiệp tuyển dụng XKLĐ các xã, thị trấn đẩy mạnh tổ chức các hội nghị chuyên đề tư vấn, tuyên truyền, giám sát, đánh giá về công tác XKLĐ để người dân nắm bắt được các thông tin về thị trường lao động ngoài nước.

UBND huyện Như Thanh đã chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, hệ thống truyền thanh, truyền hình trong huyện thường xuyên cập nhật và tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ đến các ngành, cấp và mọi tầng lớp nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài, hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn… Trong đó, cung cấp công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu trên địa bàn, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn; điều kiện lao động và sinh hoạt; các khoản phí phải nộp, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên các văn bản chỉ đạo, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm, du học nghề phù hợp với điều kiện, khả năng và sở trường của từng người. Qua đó, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Những chính sách, lợi ích khi đi XKLĐ

Những chính sách, lợi ích khi đi XKLĐ

Ông Trương Thanh Tĩnh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Như Thanh cho biết: “Ngay khi kế hoạch Số 225/KH-UBND được triển khai nhằm cụ thể hóa thực hiện Tiểu dự án 3, dự án 5, trong năm 2023, huyện Như Thanh đã phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người lao động và thân nhân người lao động tại 14 xã, thị trấn; xây dựng 3.000 tờ rơi tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về XKLĐ cho người lao động và thân nhân; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm viêc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở; tổ chức 3 hội nghị cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khu phố, thôn ở xã, thi trấn về công tác XKLĐ với 780 người tham gia.

Xây dựng kế hoạch hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi làm viêc ở nước ngoài theo hợp đồng…”.

Hướng đi đúng để thoát nghèo bền vững

Để người lao động yên tâm khi đi XKLĐ, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động được huyện Như Thanh đặt lên hàng đầu. Hầu hết lao động trong huyện đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm ổn định, thu nhập tốt, điều kiện sinh hoạt được đảm bảo theo đúng quy định của luật pháp nước tiếp nhận. Công tác quản lý theo dõi người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được các cấp, ngành quan tâm. Từ cấp huyện đến xã đã thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ. Các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ về tư vấn, tuyển lao động trên địa bàn đều được sự đồng ý, phối hợp của cấp xã, thị trấn…

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cấp thôn, bản và người dân.

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cấp thôn, bản và người dân.

“Giai đoạn 2012 - 2022, huyện Như Thanh có 1.843 người đi XKLĐ. Hiện, số lao động của huyện đang làm việc tại nước ngoài trên 800 người, năm 2023 có 255 người đi XKLĐ - vượt chỉ tiêu huyện giao (150 người). Mức thu ngập bình quân giao động từ 15 đến hơn 40 triệu đồng/tháng, số tiền người lao động gửi về nước hàng năm từ 20 đến 23 tỷ đồng. Các lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tích lũy được vốn, thanh toán các khoản nợ khi đi XKLĐ và trang trải chi phí gia đình, xây dựng nhà mới, nhiều hộ đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương….

Tỷ lệ lao động sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về có cuộc sống tốt hơn chiếm 98%, tỷ lệ hộ gia đình thoát nghèo chiếm 97%, nhiều gia đình đã giàu lên; XKLĐ đã góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về an ninh, chính trị, xã hội trên địa bàn…”, ông Trương Thanh Tĩnh nhấn mạnh.

“Những năm tới, dự báo tình hình thị trường sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Huyện Như Thanh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền đến các cấp, ngành, người lao động, học sinh, sinh viên… về công tác XKLĐ; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ XKLĐ của Trung ương, địa phương và lồng ghép chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước khuyến khích người lao động. Thực hiện tốt chính sách cho vay XKLĐ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn XKLĐ, trong đó ưu tiên đối với lao động thuộc diện gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người lao động đi làm việc ở nước ngoài bởi đây là hướng đi đúng để thoát nghèo bền vững…”, ông Tĩnh thông tin thêm.

QUÁCH TUẤN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh