THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:38

Marin: Hành trình 15 năm hàn gắn những vết thương chiến tranh

 

Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Marin tư vấn cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.


Là tổ chức thiện nguyện ra đời từ 8/2009 đến tháng 10/2012 với tên gọi Trung tâm Thông tin về liệt sĩ (Marin), trong giai đoạn này Marin đã chia sẻ thông tin, thu thập, xử lý thông tin để chuyển tải nguồn thông tin đến hàng chục nghìn gia đình liệt sĩ thông qua việc tư vấn tại văn phòng trung tâm, qua đầu số 1900571242 và tư vấn trực tiếp tại địa phương. Từ tháng 12/2012 đến nay với tên gọi Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) đã triển khai các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm thông tin có liên quan đến liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ, cũng như các chính sách liên quan đến liệt sĩ và phần mộ liệt sĩ, cũng như các chính sách có liên quan đến liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.

Cụ thể, từ cuối năm 2013, Marin đã thực hiện thí điểm thành công dự án trợ giúp pháp lý, kiến nghị bổ sung thông tin còn thiếu của 24 phần mộ (chỉ có họ tên và thiếu toàn bộ các thông tin khác) tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị). Kết quả của dự án thí điểm được mở rộng. Đến tháng 7/2014 đã có thêm 500 phần mộ liệt sĩ được kiến nghị bổ sung, điều chỉnh thông tin.

Từ tháng 8/2014 đến nay, Marin thực hiện Dự án “Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin bia mộ liệt sĩ theo phương pháp thực chứng tại nghĩa trang liệt sĩ” theo thỏa thuận hợp tác với Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Trung tâm đã thực hiện việc khớp dữ liệu của 3567 phần mộ tại 26 tỉnh quản lý mộ. Hiện đã thực hiện kiến nghị điều chỉnh xong 623 phần mộ. Quảng Trị và Quảng Nam là hai tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện Dự án.

Các sở, ban, ngành ở các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi khi tiếp nhận và xử lý những kiến nghị từ Marin. Thanh Hóa và Nghệ An cũng là hai tỉnh phối hợp chặt chẽ với Marin trong việc xác minh thông tin liệt sĩ tại địa phương. Ngoài Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy Quân sự của các tỉnh cũng thực hiện tốt công tác phối hợp để cung cấp Trích lục quân nhân khi có đề nghị cung cấp.

Sự phối hợp nhiệt tình của các tình nguyện viên tại Trung tâm Tình nguyện quốc gia của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam khi tiến hành xác minh thông tin và làm việc trực tiếp với các gia đình liệt sĩ từng xã, phường được triển khai đồng bộ cũng giúp cho việc xác minh, điều chỉnh thông tin của Marin được nhanh chóng và chính xác.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hiện tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước có rất nhiều phần mộ liệt sĩ khuyết thông tin như có tên hoặc thiếu tên, thiếu một hoặc toàn bộ thông tin để xác định chính xác nhân thân liệt sĩ… Do đó, đã nhiều năm nay những ngôi mộ đó vẫn vắng bóng người thân thăm viếng, trong khi thân nhân của họ phải lặn lội nhiều nơi tìm kiếm. Việc khớp nối thông tin, dữ liệu đầy đủ để liệt sĩ trở về quê hương sẽ đánh dấu bước phát triển mới của Marin. Đây là niềm mong ước của chúng tôi ngay từ ngày đầu thành lập".

Bà Ngô Thị Thúy Hằng cho biết thêm, để thực hiện việc khớp nối thông tin, bước đầu Trung tâm phải thực hiện phân loại, sàng lọc theo hướng: Mộ nào có thông tin, thiếu thông tin và mộ trắng (không thuộc đối tượng), có đơn với cơ quan quản lý mộ, Sở LĐ-TB&XH địa phương để xác minh thông tin chính xác. Bước hai, Trung tâm sẽ khớp dữ liệu với danh sách liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh (danh sách hơn 900.000 liệt sĩ hy sinh và mất tích). Cuối cùng, Trung tâm cho ra danh sách, phân loại gửi về các Sở LĐ-TB&XH hoặc Bộ Chỉ huy Quân sự địa phương để phối hợp khớp nối.

 

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237), do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), do Bộ LĐ-TB&XH triển khai.

Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thông qua phương pháp thực chứng và sự phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, thông tin đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ và nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, kết quả đã khớp nối thông tin được 2.044 liệt sĩ và báo tin về cho thân nhân.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh