Trả lại tên cho Anh
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:19 - 26/07/2016
Hơn 500.000 liệt sĩ khuyết danh
“Gần nửa thế kỷ qua mẹ tôi đã khóc, bữa cơm nào cũng nhắc tên, cái Tết nào cũng buồn nhớ, đêm đêm mẹ lại giở ảnh con ra xem! Tìm được hài cốt và nhận kết quả ADN của anh tôi, mẹ đã òa khóc. Giờ mẹ tôi đã an lòng rồi” - Ông Nguyễn Phúc Châu (ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) kể lại những cảm xúc khi gia đình ông đón nhận kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc, anh trai ông từ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ.
Anh trai ông Châu, liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọc tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Mấy chục năm qua, gia đình ông Châu đã hàng chục lần đi tìm hài cốt suốt từ Bắc vào Nam, chỉ cần nghe có chút tung tích gì liên quan là gia đình ông lại hi vọng. “Gặp ai cùng đơn vị hoặc biết đơn vị của anh tôi đều hỏi thăm, gia đình tôi đi tìm mãi và may mắn biết được người đồng đội đã chôn cất anh tôi ngày đó hiện vẫn còn sống ở quê Bắc Giang. Từ những thông tin quý báu của người đồng đội đó, gia đình tôi tìm đến Đồn Biên phòng Long An thì bất ngờ thấy tên liệt sỹ là anh tôi được ghi lại và có cả tên của bố mẹ tôi nữa. Nghĩa trang liệt sỹ Long An lúc đó đang được tu sửa nên các phần mộ của liệt sỹ được tôn lên cao. Được sự đồng ý của cơ quan quản lý, gia đình tôi đã mở phần mộ được cho là của anh trai tôi để xem và nhận ra đặc điểm riêng là 2 chiếc răng vàng của anh tôi lúc còn sống. Vui mừng khôn xiết, ai cũng khóc! Gia đình tôi được phép đón anh về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ của quê hương” - ông Châu kể lại.
Sau khi đưa hài cốt liệt sỹ Ngọc về an táng tại nghĩa trang Hương Sơn, để chắc chắn 100% đó là người thân của mình, gia đình ông Châu lại tiếp tục đem sinh phẩm của liệt sỹ Ngọc đi xét nghiệm ADN và sau đó gia đình ông Châu đã được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam trao lại kết quả xác nhận ADN đúng. “Mẹ tôi mừng phát khóc và nói rằng thật may mắn khi vẫn còn sống để được đón con trở về nhà sum họp...” - ông Châu bồi hồi kể lại.
Trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc chỉ là một trong số nửa triệu hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến nay còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Như vậy, tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000 liệt sĩ.
Càng để lâu, khó khăn càng nhiều
Việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm ADN là một trong những việc cần phải làm khẩn trương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tuy nhiên, số lượng hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin còn rất lớn, việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ không đầy đủ, thời gian chôn cất hài cốt liệt sĩ quá lâu khiến công tác xác định danh tính liệt sĩ gặp không ít khó khăn. Thời gian càng trôi đi thì những khó khăn trong công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ và xác định ADN sẽ càng nhiều.
Là người từng trực tiếp đi lấy mẫu hài cốt và thực hiện các xét nghiệm ADN để trả lại tên cho các liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa xét nghiệm, (Viện Pháp y quân đội) cho biết, trước khi có Đề án xác định liệt sĩ còn thiếu thông tin của Chính phủ, Viện Pháp y quân đội cũng đã giám định và xác định danh tính cho 585 liệt sĩ. Từ năm 2011 đến nay, sau khi có Đề án, công tác xác định hài cốt liệt sĩ tiếp tục được đẩy mạnh, Viện đã được đầu tư một hệ thống trang thiết bị hiện đại trị giá 47 tỷ đồng, nhờ vậy việc thực hiện các phân tích cũng sẽ nhanh hơn và kết quả cũng chính xác hơn. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn từ việc thu thập thông tin đến việc lấy mẫu xét nghiệm. Bởi phần mộ của các liệt sĩ quy tập nhiều khi chỉ dựa theo trí nhớ của đồng đội và những kỷ vật kèm theo. Các liệt sĩ khuyết danh thì không còn chứng cứ, nhiều khi may lắm chỉ biết tên đơn vị. Ngoài ra, do thời gian chôn cất quá lâu, điều kiện khí hậu Việt Nam nóng ẩm nên các mẫu hài cốt bị phân hủy rất trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác xét nghiệm ADN. Đó là chưa kể đến việc do các liệt sỹ hy sinh đã lâu, nên đối tượng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để đối chứng đều tuổi cao, sức yếu, cá biệt có những trường hợp không còn thân nhân để lấy mẫu đối chiếu. “Thời gian qua chúng tôi lấy được 1.804 mẫu hài cốt tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt - Lào nhưng chỉ lấy được 1.072 sinh phẩm của thân nhân liệt sỹ. Sau khi lấy mẫu, Viện Pháp y quân đội đã tiến hành phân tích 800 mẫu hài cốt và 580 mẫu thân nhân. Kết quả đã nhận dạng được hơn 400 liệt sĩ. Tỷ lệ nhận dạng chỉ đạt khoảng 50 - 60% do mẫu thân nhân không đủ” - Đại tá Nguyễn Lê Cát cho biết.
Với nguyện vọng tha thiết đưa người thân của mình về đoàn tụ với tổ tiên, không ít gia đình đã tìm đến các nhà ngoại cảm, ông đồng, bà cốt. Tuy nhiên, việc này cũng đã gây không ít khó khăn cho công tác xác định danh tính liệt sĩ. Đại tá Nguyễn Lê Cát kể về một trường hợp mà qua nắm bắt nhiều nguồn thông tin, các anh đã xác định chắc chắn khu mộ có phần mộ của liệt sĩ đó, chỉ cần lấy mẫu sinh phẩm của người thân để xét nghiệm ADN cho chính xác, nhưng gia đình dứt khoát từ chối vì “chúng tôi đã tìm được người thân của mình rồi”. Hỏi ra mới biết gia đình đã nhờ một nhà ngoại cảm và tìm được một ngôi mộ mang về chôn cất, thờ cúng. Do vậy họ dứt khoát từ chối hợp tác dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã cố gắng thuyết phục: “Mặc dù biết chắc ngôi mộ gia đình họ tìm về không đúng nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì được. Những trường hợp như thế gây khó khăn rất lớn cho công tác xác minh danh tính liệt sĩ, bởi cứ một gia đình tìm nhầm mộ thì có nghĩa sẽ có hai gia đình mất mộ”...
Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ.
Đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ
Kể từ năm 2013, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, rất nhiều gia đình liệt sĩ đã may mắn tìm được người thân của mình. Đến nay, bằng phương pháp thực chứng, qua sự phối hợp với các địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam (chương trình Trở về từ ký ức) và Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp gia đình liệt sĩ (Marin) bằng những thông tin của đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ và thông tin về nơi quy tập hài cốt liệt sĩ... đã khớp nối thông tin được 2.044 liệt sĩ báo tin về cho thân nhân.
Bằng phương pháp giám định ADN, qua việc lấy và phân tích ADN gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ, những kết quả phân tích ADN tiếp được lưu giữ tại các đơn vị giám định và sau đó sẽ đưa vào lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ để phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Để đạt được mục tiêu mà Đề án đặt ra là đến năm 2020, bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin đạt 7.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định ADN đạt 70.000 hài cốt liệt sĩ, ông Đào Ngọc Lợi cho biết, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng thực chứng và giám định ADN. Hiện nay, Bộ phối hợp với 5 đơn vị thực hiện việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ, gồm: Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng); Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an), Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ); Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền; Công ty cổ phần công nghệ cao Gene Việt. Bộ cũng phối hợp với 2 đơn vị thực hiện xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng, đó là chương trình “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam và Trung tâm Marin. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ chuyển giao cho Bộ Quốc phòng và các địa phương để phục vụ cho việc tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...