Trả lại tên cho gần 3.500 liệt sĩ
- Người có công
- 00:20 - 28/03/2017
Nỗ lực tìm kiếm, xác định thông tin hài cốt liệt sĩ
Theo số liệu thống kê, đến nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Như vậy, tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000. Hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin có 2 dạng: thiếu hoàn toàn (liệt sĩ chưa biết tên); thiếu một phần, chỉ có quê, chỉ có đơn vị hoặc chỉ còn tên mà không có bất kỳ thông tin nào khác.
Trong năm 2016, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo 1237 các cấp đã chỉ đạo quyết liệt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với trọng tâm là địa bàn trong nước. Các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được triển khai đồng bộ. Nhiều đơn vị đã tổ chức các nhóm đi xác minh, đối chiếu danh sách, hồ sơ liệt sĩ; phân tích, kết luận số liệu chưa khớp nối, chồng chéo; hoàn thiện danh sách liệt sĩ. Việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện nhiều đợt, nhiều vị trí với diện tích hàng nghìn ha, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, đào múc hàng triệu m3 đất đá. Kết quả, năm 2016 đã tìm kiếm, quy tập được 2.223 hài cốt liệt sĩ và 3 mộ tập thể; trong đó, ở trong nước có 971, ở Lào có 339, ở Campuchia: 913 và 6 mộ quân nhân lưu học sinh Lào.
Ảnh minh họa
Cùng với đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng được đẩy mạnh. Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Lợi cho biết, sau gần 5 năm thực hiện công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, bằng phương pháp thực chứng: Thông qua thông tin về đồng đội, đơn vị, thân nhân và thông tin về quy tập…; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam “Chương trình Trở về từ ký ức” và Trung tâm tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ đã xác định được 2.209 trường hợp.
Bằng phương pháp giám định ADN, đã thực hiện lấy 12.164 mẫu hài cốt liệt sĩ và 3.661 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, trong đó đã phân tích được 5.492 mẫu hài cốt liệt sĩ và 2.425 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Hiện nay còn hơn 6.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 1.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ đang tiến hành phân tích tại các đơn vị giám định. Và đã thực hiện so sánh, đối khớp 1.214 trường hợp có quan hệ huyết thống với thân nhân liệt sĩ.
Những liệt sĩ đã xác định được danh tính,ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức công bố, gắn bia ghi tên trên bia mộ liệt sĩ và báo tin mộ liệt sĩ tới thân nhân của 3.423 liệt sĩ.
Cuộc chạy đua với thời gian
Theo ông Đào Ngọc Lợi, thời gian càng trôi đi thì những bất cập, khó khăn trong công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ, xác định ADN càng khó khăn. Do đó, để đạt được mục tiêu đến năm 2020, xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin đạt 7.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen đạt 70.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 20% số hài cốt hiện chưa có thông tin), Cục Người có công tiếp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, căn cứ vào cơ sở dữ liệu xây dựng Kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ ở các nghĩa trang và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, hiện nay đang tập trung lấy mẫu hài cốt liệt sĩ hi sinh tại Lào đang an táng tại nghĩa trang hữu nghị Việt- Lào và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, Trung tâm lưu trữ gen hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ để phục vụ so sánh, đối chiếu, xác định thông tin hài cốt liệt sĩ.
Tại cuộc họp sơ kết triển khai đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin giai đoạn 2013-2016 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2017-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 150 yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung làm rõ nguyên nhân về các hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai Đề án 150.
Phó Thủ tướng lưu ý các đơn vị phải khẩn trương, tập trung tháo gỡ, khắc phục khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin còn khá lớn, thời gian hy sinh khá lâu, nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ rất cao nên khó khăn trong quá trình phân tích ADN. Cùng với đó, đối tượng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để đối chứng tuổi cao, sức yếu, không ít trường hợp đã mất. Nhiều nhân chứng có thể cung cấp thông tin về danh tính hài cốt liệt sĩ nay cũng già yếu, trí nhớ sút giảm hoặc đã mất. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ mộ liệt sĩ, thông tin về liệt sĩ còn hạn chế, nhiều trường hợp bị thất lạc.
Trong quá trình thực hiện Đề án 150 cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện tham gia vào quá trình xác định thông tin hài cốt liệt sĩ; phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và các đoàn thể trong việc phát hiện và cung cấp thông tin về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các đơn vị giám định gene hài cốt liệt sĩ; khẩn trương hoàn tất các bước để sớm ra đời ngân hàng gene hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ để phục vụ so sánh, đối chiếu, xác định thông tin hài cốt liệt sĩ.