THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Ký ức những người con Tây Nguyên nhớ về Bác Hồ

Người may mắn 8 lần được gặp Bác Hồ

Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, suốt thời thanh thiếu niên, NSƯT Vũ Lân (ngụ TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) may mắn gặp Bác Hồ 8 lần. Đó là quãng thời gian từ năm 1957 đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Khi ấy, Vũ Lân đang là học sinh của các Trường Nguyễn Trãi 2, Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam); diễn viên múa trong đêm dạ hội chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam tại Công viên Bách Thảo. Mỗi lần được gặp Bác, dù khoảng cách xa hay gần, chàng thiếu niên Vũ Lân ngày đó đều có những cảm nhận và khắc nhớ đặc biệt về vị lãnh tụ vô vàn kính yêu.

NSƯT Vũ Lân (bìa trái) tham gia tại tọa đàm Di sản Hồ Chí Minh - Thư gửi thanh niên”.

NSƯT Vũ Lân (bìa trái) tham gia tại tọa đàm "Di sản Hồ Chí Minh - Thư gửi thanh niên”.

Ông bồi hồi nhớ lại, lần đầu tiên tôi vinh dự được gặp Bác là khi đang học lớp 5B, Trường Nguyễn Trãi 2 và tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội. Một hôm, chúng tôi được nhà trường thông báo ăn mặc chỉnh tề, 5 giờ sáng có mặt tại cổng trường. Hôm đó, xe chở đội thiếu nhi chừng 8 người và thanh niên phụ trách đến Phủ Chủ tịch. Gặp đội thiếu nhi, Bác ân cần chuyện trò và thông báo: “Hôm nay, Bác sẽ cùng các cháu đón một vị khách đặc biệt, đó là Tổng thống Xê-cu Tu-rê của nước Cộng hoà Ghi Nê - một đất nước ở châu Phi vừa mới giành được độc lập”.

Đem ra một quả địa cầu, Bác Hồ nói, bây giờ Bác đố các cháu, cháu nào biết thì lên đây chỉ vị trí nước Ghi Nê trên quả địa cầu. May mắn, nhà cậu bé Vũ Lân khi đó cũng có quả địa cầu nên ông và một số học sinh giơ tay, nhưng người được Bác gọi lại là thanh niên phụ trách đội. Có lẽ quá bất ngờ, luống cuống, anh thanh niên tỏ ra bối rối và không chỉ được. Thấy vậy, Bác hướng về cả đội rồi ân cần: “Chúng ta bây giờ đã có thể làm bạn với các nước nên cũng cần ít nhiều hiểu biết về họ thì mới có thể làm bạn được”.

Câu nói ngắn gọn nhưng như khắc vào tâm trí cậu bé Vũ Lân lúc bấy giờ. Suốt những năm học cấp 2, Địa lý là một trong những môn mà ông học rất giỏi cùng với Văn, Toán, Vật lý. Ông còn sáng tạo ra cách vẽ bản đồ thế giới với độ chính xác cao; thi tốt nghiệp đạt thành tích đứng đầu cấp huyện.

Một lần khác, ông may mắn gặp Bác Hồ vào năm 1960 - khi Bác đến dự dạ hội chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam. Bác đến vẫy chào tất cả mọi người, khi tới chỗ dàn nhạc giao hưởng, Bác được mời chỉ huy. Khi ấy, Bác vui vẻ cầm đũa chỉ huy, bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho hơn 4.000 người tham gia dạ hội cùng hát. Người nhạc trưởng cứ thế đã truyền cảm xúc mạnh đến nhạc công và tất cả mọi người tham dự.

“Không khí ấy lạ lắm, tôi đang đứng trong hậu trường, cách Bác chừng 20m, cùng cất vang bài hát mà không kìm được xúc động. Sau này, khi làm chỉ huy dàn nhạc, tôi càng khâm phục Bác hơn, bởi dẫu bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn không ngừng học hỏi và am tường rất nhiều lĩnh vực, vấn đề. “Tôi đặc biệt ấn tượng với ánh mắt của Bác Hồ trong mỗi lần gặp. Đó là cái nhìn trìu mến, yêu thương với thiếu niên, nhi đồng và cũng là ánh nhìn thần thái, mạnh mẽ, đầy nghiêm khắc khi cần phê bình vấn đề gì. Điều ấy càng khiến tôi thêm khâm phục, tự hào và kính trọng lãnh tụ vĩ đại của dân tộc”, NSƯT Vũ Lân xúc động.

Lần gặp Bác cuối cùng cũng đã hơn nửa thế kỷ và cũng đã hơn 40 năm NSƯT Vũ Lân xa Hà Nội nhưng những kỷ niệm về Bác luôn thường trực trong trái tim ông. Những lời Bác dạy ngày nào luôn thúc giục ông cố gắng cống hiến tâm trí nhiều hơn cho quê hương, Tổ quốc.

Kỷ vật thiêng liêng

Xúc động không nói nên lời gần như là tâm trạng chung của những ai may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và dù qua bao năm tháng vẫn vẹn nguyên cảm xúc mỗi khi hồi tưởng lại. Ở tuổi 94, cụ Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy vẫn nhớ như in những câu chuyện đằng sau tấm hình chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là năm 1966, khi đó ông Lê Chí Quyết là Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng đoàn cán bộ miền Nam được ra Hà Nội để chuẩn bị đi tham quan, học tập tại Liên Xô.

Cụ Quyết hồi tưởng: “Dịp này, tôi may mắn hai lần được gặp Bác. Trước khi đoàn đi tham quan, Bác thăm hỏi sức khỏe mọi người; dặn dò Ban tổ chức Trung ương bố trí, sắp xếp nơi ăn, nghỉ chu đáo cho cả đoàn. Khi đoàn đi Liên Xô trở về lại Hà Nội, chúng tôi vinh dự được chuyện trò với Bác Hồ thêm lần nữa”.

Háo hức gặp lại Bác, cả đoàn chuẩn bị tinh thần để báo cáo với Bác về tình hình miền Nam. Nghĩ rằng Bác sẽ hỏi về sự dũng cảm, kiên cường của quân và dân tỉnh Đắk Lắk; về tội ác, sự đánh phá tàn bạo của Mỹ, cụ Quyết cũng đã chuẩn bị sẵn mọi câu trả lời. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi Người lại quan tâm đến đời sống của đồng bào Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Bức ảnh cụ Lê Chí Quyết được chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng

Bức ảnh cụ Lê Chí Quyết được chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng

Cụ nhớ lại: Bác nói, chuyện bộ đội đánh Mỹ giỏi rồi, Bác nắm được rồi. Bác chỉ muốn hỏi, đồng bào các dân tộc có bị đói không? Có cơm ăn không, có bị ăn lạt muối không? Trẻ em có đủ áo quần để mặc không, có giấy bút để học hành không?... Tôi thưa với Bác, về tình hình đồng bào của mình, do giặc đánh phá hoang tàn nên một số vùng rất khổ cực, thường xuyên thiếu gạo, thiếu muối, phải lên rừng đào củ mài, hái rau rừng ăn tạm qua ngày. Một số vùng đồng bào, chị em phụ nữ không có điều kiện phải lấy vỏ cây làm khố, làm váy mặc, điều kiện trẻ em cũng rất thiếu thốn…

Bác nghe chuyện, vỗ nhẹ vai cụ Quyết rồi ngước lên nhìn trần nhà tránh sự xúc động, khiến người tiếp chuyện cũng rưng rưng. Bác nhắn nhủ: Về trong đó, cháu và các cán bộ phải cố gắng liên lạc, tìm cách làm sao để đồng bào có cơm ăn, đừng để đồng bào đói, mất sức, đừng để đồng bào phải ăn lạt. Phải có chút vải cho chị em phụ nữ, đừng để mặc vỏ cây, phải mua giấy bút cho trẻ em học hành…

Đã 56 năm trôi qua, những cử chỉ ân cần cùng lời căn dặn của Bác Hồ năm nào vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức cụ Lê Chí Quyết. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại được bắt đầu từ những điều giản dị, chân chất, ấm lòng đồng bào.

LÊ NHUẬN - NGỌC GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Một tờ báo giàu chất nhân văn

Một tờ báo giàu chất nhân văn

(Dân sinh) - Ngày 25/8/1993, tại Hội trường Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh, Báo Lao động - Xã hội ra mắt độc giả cả nước số đầu tiên. Đây là tờ báo đầu tiên của ngành LĐ-TB&XH đã hội...
1 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh