CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Kỷ niệm 30 năm ngày Báo LĐ&XH ra số đầu tiên (25/8/1993 - 25/8/2023)

30 năm rèn luyện phẩm chất và bản lĩnh người làm báo

Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm - Tổng biên tập đầu tiên của Báo và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm - Tổng biên tập đầu tiên của Báo và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

 Lập tức, mọi người ồ lên rồi xúm vào ngó chiếc điện thoại đang theo dõi hành trình tàu. Trên bản đồ vệ tinh, con đường kéo dài mấy km mang tên Anh hùng LLVT Nhân dân Trịnh Tố Tâm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao động và Xã hội được gắn với Đèo Hải Vân, nơi có nhiều chiến công lẫy lừng của ông, người được mệnh danh “Hùm xám đèo Hải Vân” với 53 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Bộ trưởng Trần Đình Hoan và các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thăm, chúc mừng Báo nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1994.

Bộ trưởng Trần Đình Hoan và các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thăm, chúc mừng Báo nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1994.

Vào ngày này 30 năm trước, ngày 25/8/1993, làng báo chí Cách mạng Việt nam chứng kiến sự kiện quan trọng, Báo Lao động và Xã hội ra mắt bạn đọc cả nước. Tờ báo đầu tiên của ngành LĐ-TB&XH hòa chung trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới sự nghiệp báo chí Việt Nam. Báo LĐ&XH ra đời ở thời điểm ngành có nhiều việc phải làm, phải đổi mới như: Công tác xóa đói giảm nghèo, thương binh liệt sĩ, người có công, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, lao động việc làm, đào tạo nghề, phòng chống tệ nạn xã hội... Thời kỳ này việc truyền thông chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của ngành… đặt ra hết sức cấp bách. Bộ trưởng Trần Đình Hoan đã giao Thứ trưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm làm Tổng Biên tập, hai nhà báo Nguyễn Ngọc Niên và Kim Quốc Hoa là Phó Tổng Biên tập.

Thời điểm đó, báo Lao động&Xã hội đã thu hút được nhiều phóng viên và những cây viết sắc sảo trong làng báo về đầu quân. Các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp đều mua báo Lao động&Xã hội, số lượng phát hành rất cao. Từ chỗ báo in tại miền Nam, phát hành 2 tuần 1 kỳ, báo tăng lên mỗi tuần 1 kỳ, rồi 1 tuần 2 kỳ, đến năm thứ hai, ngày 31/8/1995 với chủ trương không ngừng cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, báo đã đổi mới toàn diện nội dung và hình thức, ra mắt bạn đọc bộ mới và tăng lên 1 tuần 3 kỳ.

Trải qua nhiều khó khăn những ngày đầu thành lập, báo đã nhanh chóng định hình các trang báo và chuyên mục về lao động, việc làm, dạy nghề, người có công... mang bản sắc của tờ báo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Mọi hoạt động của Bộ, ngành đều được báo đề cập, phản ánh nhanh, đầy đủ và chuyên sâu như: giải quyết lao động dôi dư, giải quyết việc làm, an toàn lao động, tiền lương - tiền công, bảo hiểm xã hội, xóa đói giảm nghèo; đặc biệt tuyên truyền Bộ luật Lao động là kết quả to lớn, là bước đột phá mạnh trong xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động - việc làm của ngành; Pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Pháp lệnh “Ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và sau đó là Nghị định 28/CP được ban hành đem lại không khí phấn khởi, tin tưởng cho người có công và toàn xã hội.

Khi đó, với chức năng là cơ quan ngôn luận của Bộ làm chính sách, Báo Lao động&Xã hội là tờ báo đầu tiên thành lập “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” và khởi xướng phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời với việc khởi xướng, cổ vũ, động viên phong trào, Báo đã trực tiếp nhận phụng dưỡng 2 bà mẹ VNAH ở Quảng Nam và tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, cũng là tờ báo đầu tiên vận động quyên góp tivi tặng bộ đội Trường Sa vào năm 1994 ngay sau chuyến thăm Trường Sa của Thứ trưởng, Tổng Biên tập Trịnh Tố Tâm.

Những năm qua, Báo đã có nhiều thay đổi, củng cố cơ bản, mạnh mẽ về quy trình làm báo, về tổ chức cán bộ. Báo bám sát tôn chỉ mục đích, nâng cao chất lượng nội dung, nâng cao tính thời sự, tính chuyên sâu và tính hấp dẫn; sức mạnh tập thể được phát huy. Đội ngũ cán bộ, phóng viên học hành chính quy, bài bản, được đào tạo thường xuyên qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm của Bộ; qua các lớp của Dự án SIDA Thụy Điển do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; qua sự góp ý, gợi mở hướng dẫn của lãnh đạo Toà soạn; tự đào tạo trong tòa soạn... Cuối năm 2013, Báo Lao động và Xã hội ra mắt trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet (Dân sinh) và tháng 9/2016 là Báo điện tử Dân sinh (với tên miền thuviensuckhoe.org) đã góp thêm một kênh thông tin về lĩnh vực an sinh xã hội. Thông tin ngày càng nhanh, đầy đủ hơn, mang phong cách báo chí hiện đại, tay nghề của đội ngũ làm báo ngày càng vững vàng.

Báo Lao động & Xã hội ra với lính đảo Trường Sa.

Báo Lao động & Xã hội ra với lính đảo Trường Sa.

Trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Báo Lao động&Xã hội luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự, Đảng ủy Bộ, trực tiếp Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách thường xuyên chỉ đạo, định hướng. Các thế hệ cán bộ phóng viên, biên tập viên kỳ cựu của Báo dù đã chuyển công tác, hoạt động ở nhiều cương vị mới, công việc mới, nhưng vẫn hướng về, cộng tác và dành cho tòa soạn tình cảm thân thương.

Tập thể cán bộ, phóng viên toàn Tòa soạn luôn làm việc trách nhiệm cao, từng số báo bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương: Thông tin nhanh, kịp thời, có phân tích, đánh giá, định hướng tạo đồng thuận trong dư luận xã hội; phản ánh sâu mọi lĩnh vực công tác của ngành tại các địa phương, cơ sở.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Ban cán sự và Đảng ủy Bộ, Báo Lao động và Xã hội chuyển bước mới, quyết tâm bứt phá, thay đổi cơ bản bằng việc xây dựng phong cách làm báo hiện đại, khẳng định là tờ báo mạnh về lĩnh vực lao động, việc làm, người có công và an sinh xã hội. Đã có hàng hàng trăm nghìn bài viết xuất bản trên báo in và báo điện tử, chủ động sáng tạo, thông tin có chất và đúng tôn chỉ mục đích.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Thu Hằng tặng quà người có công tại Côn Đảo.

Phó Tổng biên tập Nguyễn Thu Hằng tặng quà người có công tại Côn Đảo.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay Báo Lao động&Xã hôi có 8 phòng, ban và Văn phòng đại diện. Tổ chức bộ máy đơn vị được củng cố theo hướng tinh gọn và đi vào hoạt động đồng bộ. Từ một chi bộ thuộc Đảng bộ cơ quan Bộ, đến nay Báo Lao động&Xã hội có Đảng bộ cơ sở với 45 đảng viên sinh hoạt tại 06 chi bộ trực thuộc. Tổ chức Công đoàn cơ sở có 58 đoàn viên. Tổ chức Đoàn TNCS HCM có 6 đoàn viên. 

Trong điều kiện báo mạng gia tăng, bạn đọc báo in giảm rõ rệt, Báo Lao động&Xã hội vẫn nỗ lực, tìm mọi biện pháp duy trì ổn định số lượng phát hành. Với 1 tuần 3 kỳ phát hành, lượng phát hành đạt bình quân trên 1 vạn bản/kỳ.

Trong hoạt động truyền thông và tổ chức sự kiện: Các chương trình do Báo phối hợp tổ chức đều thành công, uy tín, đạt được mục tiêu đề ra. Đã có rất nhiều sự kiện được Báo tổ chức để lại dấu ấn tốt đẹp trong độc giả và các đối tượng xã hội như chương trình giao lưu văn nghệ “Tổ quốc linh thiêng” tại Nhà hát Lớn năm 2016 (sau này là “Linh thiêng Việt Nam”). Trong khuôn khổ chương trình, Báo đã tổ chức trao quà và tiền mặt cho các đối tượng chính sách, người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang) trị giá trên 400 trăm triệu đồng. Năm 2018, chương trình “Tổ quốc linh thiêng” đã dành kinh phí để tổ chức trao quà cho đối tượng chính sách tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) với số tiền gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chương trình, sự kiện khác như Giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp có chính sách nhân sự xuất sắc: “Vietnam HR Awards”, “Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em” được duy trì và hoạt động hiệu quả trong suốt 10 năm qua.

Với kinh phí nhiều tỷ đồng được vận động từ nguồn xã hội hóa, các hoạt động xã hội từ thiện như tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình chính sách, chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa... được Báo duy trì tổ chức thường xuyên hàng năm.

Lãnh đạo báo bạn thăm khu trưng bày của báo Lao động&Xã hội.

Lãnh đạo báo bạn thăm khu trưng bày của báo Lao động&Xã hội.

Hơn 3 năm trở lại đây, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do dịch bệnh phức tạp kéo dài, Báo Lao động &Xã hội lại có quá nhiều sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và nhân sự lãnh đạo. Sau gần 1 năm đồng chí Quyền TBT Nguyễn Trung Chính nghỉ hưu, thực hiện bước 1 quy hoạch các cơ quan báo chí của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 1/4/2021, Tạp chí Gia đình và Trẻ em sáp nhập vào Báo Lao động&Xã hội và đồng chí Tổng biên tập Tạp chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập Báo.

Không may chỉ 4 tháng sau đó, đồng chí Tổng Biên tập bị tai biến rồi nghỉ việc, trong khi mọi công việc sau sáp nhập như nhân sự, tài chính, tài sản... còn bề bộn, chưa kịp sắp xếp. Số lượng người lao động tăng khoảng 32% trong khi nguồn thu ngày càng bị thu hẹp.

Những gương mặt cán bộ, phóng viên Báo Lao động & Xã hội.

Những gương mặt cán bộ, phóng viên Báo Lao động & Xã hội.

Trong điều kiện vô vàn khó khăn bởi nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, toàn thể đội ngũ lãnh đạo, viên chức, người lao động đã gồng mình, nỗ lực cùng nhau vượt qua. Báo phải cố gắng trong việc cân đối nguồn tài chính, trong hoạt động xuất bản để bảo đảm chăm lo cho đời sống của người lao động. Với sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo Bộ và tinh thần vượt khó của những người làm báo, Báo Lao động&Xã hội từng bước vượt qua khó khăn, ổn định tư tưởng viên chức, người lao động để đoàn kết, không ngừng phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.

Tròn 30 tuổi, nhớ lại những bước đường đã đi qua, mỗi người đều luôn tự nhủ, khó khăn thử thách đã rèn luyện nên bản lĩnh và phẩm chất của người làm Báo Lao động&Xã hội. Nhiều người đã trưởng thành từ ngôi nhà Lao động&Xã hội, tự tin vững bước trong hoạt động nghề nghiệp và trong cuộc sống.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện bước 2 quy hoạch sắp xếp lại các cơ quan báo chí của Bộ, Báo Lao động& Xã hội có thể sẽ tiếp tục có những sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức và nhân sự. Nhưng toàn thể cán bộ phóng viên của Báo đều ý thức được rằng, dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người đều luôn luôn thực hiện đúng chức phận của mình, là những người làm báo chân chính, luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn để đạt được 6 chữ của nghề báo mà nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nêu: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”!

Nguyễn Thu Hằng- Phó TBT Báo Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Một tờ báo giàu chất nhân văn

Một tờ báo giàu chất nhân văn

(Dân sinh) - Ngày 25/8/1993, tại Hội trường Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh, Báo Lao động - Xã hội ra mắt độc giả cả nước số đầu tiên. Đây là tờ báo đầu tiên của ngành LĐ-TB&XH đã hội...
1 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh