CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Ký ức của nữ thương binh một lần được gặp Bác Hồ

Bỏ trốn khỏi buôn để theo cách mạng

Chúng tôi đến buôn Cháy (buôn Ea M'Droh), xã Ea M'Droh, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) một buổi sáng trung tuần tháng Bảy, trời Tây Nguyên trong lành, mát mẻ. Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải nhựa êm ái, anh Y Gam (cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Ea M'Droh) hồ hởi kể về những đổi thay, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như mọi mặt đời sống của buôn cách mạng.

Ký ức của nữ thương binh một lần được gặp Bác Hồ - Ảnh 1.

Những ngôi nhà dài truyền thống được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, xây dựng trao tặng năm 1994, sẽ được gìn giữ và bảo tồn nhằm phát triển du lịch trong thời gian sắp tới tại buôn cách mạng Ea M’droh

Dẫn chúng tôi đến nhà bà H'Răng Niê Kdăm (sinh năm 1947, thương binh 2/4), anh Y Gam cho biết, bà là nữ thương binh một thời trốn khỏi buôn làng (nơi quân địch chiếm đóng) để theo tiếng gọi cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng dáng vẻ người nữ thương binh ấy vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Đón chúng tôi trong căn nhà xây kiên cố khang trang bà H'Răng luôn nở nụ cười với niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn.Bà H'Răng kể: Lúc bà còn nhỏ buôn Ea M'Droh đã bị địch chiếm đóng, cai trị khiến cuộc sống của dân vô cùng khổ cực. Năm 1961 (lúc này bà 14 tuổi) bà cùng một số thanh niên bỏ trốn vào vùng rừng sâu (thuộc huyện Buôn Đôn bây giờ). Sau đó kết nối được với lực lượng cách mạng, chỉ vài tháng sau đó bà cùng một số thanh niên trong làng được lệnh di chuyển tới vùng căn cứ Khu 6, Quảng Đức (nay thuộc tỉnh Đắk Nông).

Địa bàn hoạt động chủ yếu trong những cánh rừng sâu hoặc những buôn, làng đồng bào M'nông. Do bà biết tiếng M'nông nên tổ chức giao cho nhiệm vụ tiếp cận người đồng bào tuyên truyền cho họ đi theo con đường cách mạng, tránh bị kẻ địch dụ dỗ lôi kéo.Theo bà H'Răng, sau khi căn cứ hoạt động một thời gian thì bị địch phát hiện, chúng điên cuồng cho máy bay ngày đêm trút mưa bom bão đạn. Đã biết bao đồng bào, đồng đội đã hy sinh. Ngay sau đó, tổ chức bắt buộc phải rút vào rừng sâu để tiếp tục hoạt động. Thời đó khổ cực lắm, ban ngày phải đi đào củ rừng, hái rau rừng để anh em cán bộ ăn. Hoa màu trồng bị địch ném bom, phá hoại không thể thu hoạch. Ngừng kể về những gian khổ nơi rốn mưa bom bão đạn của kẻ thù, bà H'Răng ngượng ngùng kể về mối tình của bà với ông Y Thăm (chồng bà bây giờ - PV). "Chúng tôi ở cùng buôn Ea M'roh và cùng rủ nhau bỏ trốn để theo cách mạng, hoạt động cùng đơn vị nên không biết yêu nhau từ lúc nào. Năm 1964 đơn vị đã tổ chức lễ cưới cho chúng tôi rất ấm cúng. Năm 1965 tôi sinh con gái đầu lòng cũng tại căn cứ cách mạng".Tiếp lời bà H'Răng, già Y Thăm (sinh năm 1942) nhớ lại: "Mình thương bà ấy từ lúc còn ở buôn Cháy cho đến khi cùng theo hoạt động cách mạng ở Quảng Đức mới chính thức yêu nhau. Khi mình lấy bà ấy gia đình hai bên không ai biết, chỉ có đồng đội đúng ra tổ chức đám cưới. Chiến tranh mà, không biết sống chết lúc nào thế nên tranh thủ lấy vợ chớ…". Cũng theo lời kể của bà H'Răng, cuối năm 1966, trong một lần bà cõng đứa con gái đi hái rau, bất ngờ máy bay địch thả bom, khiến bà bị thương nặng. Năm 1967, gia đình được tập kết ra Bắc, bà H'Răng mới có thời gian để chữa trị vết thương.

Ký ức của nữ thương binh một lần được gặp Bác Hồ - Ảnh 2.

Mặc dù đã có căn nhà xây kiên cố, khang trang nhưng gia đình bà H’Răng vẫn giữ lại ngôi nhà dài truyền thống như một “báu vật” của buôn làng.

Hạnh phúc khi được gặp Bác Hồ kính yêu

Trong miên man câu chuyện kể về những mất mát, hy sinh gian khổ trong thời gian hoạt động cách mạng, bà H'Răng cũng như già Y Thăm không thể nào quên ký ức một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ vùng căn cứ cách mạng Quảng Đức để đến được với Hà Nội, gia đình bà H'Răng cùng đoàn phải băng rừng, lội suối trải qua 6 tháng trời ròng rã mới tới được Thủ đô. "Trong thời kỳ chiến tranh làm gì có xe để đưa mình đi, phải băng rừng sâu, núi thẳm để tránh địch phát hiện. Khó khăn nào rồi cũng vượt qua, kẻ thù nào rồi cũng chiến thắng, cứ nghĩ vậy nên không sợ gian khổ" bà H'Răng kể. Sau khi đến Hà Nội gia đình bà H'Răng cùng ở đơn vị K15. Tại đây bà được thăm khám chữa trị vết thương.

Ngày 8/8/1968 có lẽ là ngày hạnh phúc nhất của gia đình bà khi vinh dự được đại diện cho đồng bào Tây Nguyên gặp Bác Hồ tại Quảng trường Ba Đình. "Hôm đó Bác mặc bộ đồ giản dị, đội mũ cối đã ngả màu, bắt tay tôi Bác cười và nói: Chúc các cháu khỏe mạnh, luôn luôn phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng…", bà H'Răng xúc động. Được gặp Bác là đã thỏa ước nguyện bấy lâu nay bà tự hứa với mình sẽ khắc cốt ghi tâm lời Bác dặn, một lòng phấn đấu góp sức mình vào hoạt động cách mạng, dù có phải hy sinh cũng không lùi bước trước kẻ thù. Già Y Thăm cũng không khỏi xúc động khi được gặp Bác Hồ. Mỗi khi ngồi quây quần bên bếp lửa già thường kể cho con cháu nghe về lời dặn của Bác cho đồng bào Tây Nguyên về con đường cách mạng. Sau khi đất nước ca khúc khải hoàn, nỗi nhớ Cao Nguyên da diết đã thôi thúc bà H'Răng, già Y Thăm quyết định hồi hương. Năm 1976, gia đình bà H'Răng đã về sống tại xã Krông Na (Buôn Đôn ngày nay). Năm 1987, gia đình bà mới thỏa lòng khi di dời về buôn cách mạng Ea M'droh. "Gần 15 năm hoạt động cách mạng, sinh sống ở nhiều nơi nhưng mình chỉ nhớ buôn làng cũ thôi. Giờ thấy cuộc sống bà con trong buôn khá giả, ai cũng có của ăn của để, con cháu được đi học đầy đủ mình sung sướng lắm. Mong các cháu học thật giỏi, chăm ngoan để sau này góp sức mình cho Đảng, Nhà nước" bà H'Răng nói.

Ký ức của nữ thương binh một lần được gặp Bác Hồ - Ảnh 3.

Theo bà H’Răng, ngôi nhà dài là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên nói chung, người Ê Đê nói riêng, vì vậy các thế hệ con cháu phải biết giữ gìn và bảo tồn.

Trao đổi với phóng viên, anh Y Gam cho biết, tới đây UBND huyện sẽ khởi động chương trình phát triển du lịch nhà dài, văn hóa cồng chiêng tại buôn… nhằm tạo điều kiện cho người dân, du khách có dịp đến thăm, khám phá vùng đất cũng như con người tại buôn cách mạng. Bên cạnh đó việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào buôn Ea M'Droh được cấp chính quyền quan tâm đặc biệt. Hiện 100% gia đình chính sách đều có kinh tế, nhà ở ổn định, các chính sách hỗ trợ, trao tặng quà dịp lễ, tết rất chu đáo. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ chúng tôi đã có kế hoạch thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn xã.

LÊ NHUẬN - NGỌC GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh