THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:10

Trưởng thành từ “vườn ươm” Lao động - Xã hội

Lối rẽ từ một chiếc “trực thăng”

Năm 1994, khi đang làm biên tập ổn định tại Fafim Việt Nam và viết bài cho vài báo kiếm nhuận bút, một người bạn giới thiệu tôi về Báo Công an làm phóng viên. Đang băn khoăn vì thủ tục và sở trường của bản thân thì một cô bạn bên Báo Đại đoàn kết bảo: “ Mày về Lao động - Xã hội đi, báo này mạnh lắm, hôm rồi họ thuê cả trực thăng để quảng cáo ra mắt đấy”. “Ôi trời, thế  tao phải đến xin mới được”. Tôi vội quyết. Ngay hôm sau tôi tìm gặp anh Kim Quốc Hoa, khi đó đang là Phó Tổng biên tập báo. Anh Kim Quốc Hoa bảo: “Báo mới thành lập đang cần tuyển phóng viên nhưng anh không quyết được, em lên gặp anh Trịnh Tố Tâm, Tổng biên tập”. Sáng hôm sau tôi mò lên Bộ LĐ-TB&XH, gõ cửa phòng Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm. Cửa mở, câu đầu tiên ông hỏi: “Cháu con  ai, gặp chú có việc gì?”. “Dạ không, cháu là,  à…em là Chử Hà muốn xin về Báo Lao động - Xã hội làm việc ạ. Anh Kim Quốc Hoa bảo em lên ạ”. Ông Tâm bảo: “À, thế thôi cứ về làm việc đi”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cùng các lãnh đạo Báo LĐ&XH

Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cùng các lãnh đạo Báo LĐ&XH

Việc đầu tiên  tôi được giao là viết về thương binh Phạm Duy Thiệu, người thương binh đã  bỏ công sức khai khẩn cả một bãi bồi rộng lớn giữa sông Hồng để làm kinh tế, được báo chí khi đó ca ngợi là “Vua Bãi nổi”, nhưng cơ chế khi đó lại chưa thuận cho ông.

Sau khi bài báo “Vua Bãi nổi, nổi hay chìm?” của tôi được đăng, tôi chính thức nhận quyết định về công tác tại Báo. Đó là những năm tháng thật tuyệt vời bên những cây viết sắc lẹm rất duyên như: Thu Hằng, những ai đã đọc phóng sự của Thu Hằng luôn bị cuốn hút. Giờ cô ấy đã là Phó Tổng biên tập báo được 10 năm; Lương Thanh Thủy, nhẹ nhàng, đằm thắm trong từng câu chữ như con người và tính cách cô ấy; Đặng Thị Huệ, đi nhiều, viết khỏe, trong trẻo, sắc sảo với nhiều bài viết phát hiện nổi tiếng trong lĩnh vực người có công và chính sách xã hội. “Người thương binh 8 lần bị địch cưa chân, khoét mắt” là một trong nhiều bài báo nổi tiếng của Đặng Thị Huệ. Sau bài báo, người thương binh này được cơ quan chức năng  đề nghị lên Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Và còn rất nhiều cây bút khác như: Lê Như, Xuân Nguyên, Lê Điều, phóng viên ảnh; Hoàng Long viết mảng chính sách chắc từng câu chữ. Đặc biệt là Lê Tuấn, người anh khó tính nhưng đã giúp chúng tôi trưởng thành rất nhiều trong từng bài viết.

Sau này, thế hệ phóng viên cùng thời kỳ với tôi hầu hết đều trưởng thành, các anh chị giữ cương vị trọng trách của nhiều tờ báo lớn như: Nhân Dân; Hà Nội mới; Báo điện tử Chính phủ; Đài Tiếng nói Việt Nam…

Giờ đây, mỗi lần có dịp đi miền núi tôi lại không cầm được nước mắt bởi tự hào nhớ lại những năm tháng được theo chân nhiều thế hệ  lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH. Đó là những tháng ngày gian nan vô cùng vất vả của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ. Họ lặn lội đi nghiên cứu thực tế để xây dựng chính sách, giải pháp giúp bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn xóa đói giảm nghèo. Tôi thường xuyên theo chân Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng và lãnh đạo các đơn vị của Bộ đi một ngày 2, 3 tỉnh miềm núi phía Bắc là bình thường. Ngày ấy chưa có máy tính, chưa có mạng internet, mỗi lần đi công tác phải mang vài tấp giấy A4 để viết bài. Nếu ở xã thì viết xong phải nhờ xe đưa lên huyện để Fax bài về tòa soạn, ảnh thì tìm tiệm rửa ra rồi ra bưu điện gửi về.

Đó là những ngày tháng không thể quên, được làm việc, học tập bên những “bộ óc” vĩ đại như cố Bộ trưởng Trần Đình Hoan, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, các Thứ trưởng: Lê Duy Đồng, Nguyễn Lương Trào, Đàm Hữu Đắc, Nguyễn Thanh Hòa. Các Vụ trưởng: Chu Ngọc Thoan, Chu Quang Cưởng, Nguyễn Hải Hữu… và nhiều chuyên viên xuất sắc khác. Trong công việc họ thực sự là những nhà thiết kế chính sách lớn, uyên bác dày dạn  kinh nghiệm. Trong cuộc sống họ là những con người thú vị, nhiều tri thức cho chúng tôi học hỏi để trưởng thành.

Cũng nhờ trưởng thành mà chúng tôi mới hiểu đã may mắn được làm việc dưới sự lo toan dẫn dắt của  những thế hệ lãnh đạo báo bản lĩnh giỏi giang như: Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm, Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao động& Xã hội; Nguyễn Ngọc Niên, Kim Quốc Hoa hai con người tài hoa, hào sảng và sau này là Nguyễn Văn Minh, Trần Thị Lộc và thư ký tòa soạn Lê Quang.

Cảm ơn chiếc “trực thăng” năm xưa đã đưa tôi sang lối rẽ mới của con đường. Cảm ơn các anh chị và tất cả bạn bè đồng nghiệp đã dìu dắt chúng tôi trong suốt chặng “đường Lao - Xã”.

Chử Hà Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lao động - Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh