THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:07

Ký ức một hải trình

Hai tiếng Trường Sa luôn thiêng liêng, sâu nặng và thân thương trong trái tim của biết bao thế hệ người dân Việt, bởi Trường Sa là một phần không gian lãnh thổ mà người Việt đã xác lập chủ quyền từ rất sớm và đã đổ bao máu xương để gìn giữ. Ngày nay, Trường Sa không chỉ là trạm gác tiền tiêu, pháo đài canh gác, lá chắn vững chắc của Tổ quốc từ hướng biển, mà còn là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước.Từ ý nghĩa quan trọng đặc biệt đó, nhằm góp phần tăng tính thực tiễn cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các trường sĩ quan trong Quân đội và giúp học viên đào tạo sĩ quan tương lai xác định rõ trách nhiệm, không ngừng học tập, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần… Bộ Quốc phòng đã tổ chức Đoàn công tác số 19 dành riêng cho các trường đào tạo sĩ quan cấp phân đội gồm: Sĩ quan Lục quân 1, Sĩ quan Lục quân 2, Sĩ quan Chính trị. Và tôi may mắn là thành viên nữ duy nhất của đoàn Trường Sĩ quan Chính trị.

Empty

Tác giả trong chuyến hải trình đến với Trường Sa

6 giờ 30 phút ngày 20 tháng 5 năm 2023, tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-290 chở hơn 300 đại biểu thuộc Đoàn công tác số 19 năm 2023 chính thức vượt sóng ra khơi, hướng về Trường Sa thân yêu. Hải trình bắt đầu từ cảng Cát Lái (Lữ đoàn 125 Hải quân - Thành phố Hồ Chí Minh) đi Len Đao - Sinh Tồn Đông - An Bang - Đá Đông B - Đá Tây A - Trường Sa - DK1/21 (Ba Kè D) và trở lại cảng Cát Lái (Lữ đoàn 125) vào chiều ngày 26 tháng 5 năm 2023. Một tuần lênh đênh trên biển, giữa bốn bề mênh mông sóng nước, mỗi khi đoàn đặt chân đến các đảo và điểm đảo, tôi thường đi tìm hiểu toàn bộ không gian làm việc của những người lính hải quân, vào thăm nơi ở của các gia đình trên đảo Đá Tây A, đảo Trường Sa Lớn và trò chuyện với những người con của biển. Những câu chuyện đời thường, những nụ cười ấm áp, những cái ôm, cái bắt tay thật chặt giữa những con người gặp nhau lần đầu thật ý nghĩa biết bao.

Được đi, được nghe, được chứng kiến công việc, cuộc sống của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, tôi càng thêm cảm phục ý chí sắt đá và những hy sinh thầm lặng của những người lính Hải quân. Chính sự hy sinh ấy đã góp một phần quan trọng để cho người dân Việt Nam hiện nay có cuộc sống yên bình.

Trong rất nhiều những kỷ niệm, trong ký ức của tôi giây phút trang nghiêm nhất, thiêng liêng nhất, xúc động nhất đó là khi làm Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng ở Gạc Ma năm 1988 và giây phút lắng đọng nhất, lưu luyến nhất, chan chứa tình người nhất là đêm chia tay Trường Sa. Trên cầu tàu, những người con của Trường Sa đồng thanh hô: “Trường Sa vì cả nước”, đáp lại lời nhắn gửi yêu thương và quyết tâm sắt đá ấy, trên tàu mọi người cùng hô vang “Cả nước vì Trường Sa”. Lời đối đáp yêu thương “Trường Sa vì cả nước” - “Cả nước vì Trường Sa”, “Trường Sa vì Tổ quốc” -“Tổ quốc vì Trường Sa” của người ở lại với biển cả và người trở về với đất liền lặp đi lặp lại như một điệp khúc, mang thông điệp của niềm tin, hy vọng, trong trái tim mỗi người đều vô cùng xúc động, bịn rịn, luyến lưu... Tất cả vẫn như một thước phim quay chậm, lời ca của ca khúc “Khúc quân ca Trường Sa” và “Bâng khuâng Trường Sa” thi thoảng vẫn ngân nga trong trái tim tôi, nhắc nhớ kỷ niệm đẹp và về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi đứng trên bục giảng.

Empty

Tác giả thăm một gia đình trên quần đảo Trường Sa

Được đến Trường Sa, tôi càng cảm phục và biết ơn những con người bằng xương bằng thịt đã hoá thành bất tử, những con người nhỏ bé nhưng kiên trung, mạnh mẽ, gan dạ, sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ, vất vả về mình để giữ bình yên cho đất nước.

Rời Trường Sa, có một điều tôi biết, tôi sẽ không bao giờ quên chuyến hải trình đầu tiên, đặc biệt nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình, chuyến đi đã cho tôi hiểu nhiều điều về lẽ sống, về tình người, về đức hy sinh, về sự đợi chờ, về những khát vọng của những con người Việt Nam bé nhỏ.Và câu nói của Bác cứ vang vọng mãi trong tâm trí của tôi: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời, có rừng, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Cảm ơn những người chiến sĩ Hải quân, cảm ơn những ngư dân bám biển kiên cường qua bao nhiêu thế hệ đã giữ và làm cho biển trời của ta ngày càng tươi đẹp, cho bình yên sóng vỗ, cho tôm cá đầy khoang, cho Tổ quốc yên bình./.

Lê Thị Huyền - Khoa Văn hoá, Ngoại ngữ (Trường Sĩ quan Chính trị)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh