Thương hoài những chuyến đi
- Chia sẻ
- 17:24 - 25/08/2023
Văn phòng được giao phụ trách địa bàn 10 tỉnh, gồm 5 tỉnh Tây Nguyên và 5 tỉnh Nam miền Trung. Từ Nha Trang đi đến các tỉnh lân cận như Phú Yên, Ninh Thuận cũng trên trăm cây số, còn như đi các tỉnh xa Gia Lai, Kon Tum thì đều trên 500 cây số. Xa xôi như vậy, lại phải băng qua những con đèo vừa dài vừa quanh co như: An Khê, Mang Yang, Cù Mông, Ngoạn Mục… nhưng phóng viên Văn phòng đi tác nghiệp chủ yếu là bằng xe máy. Biết như vậy là vất vả, nguy hiểm nhưng không thể khác vì vừa tiết kiệm tiền, thời gian, vừa có phương tiện đi lại khi đến nơi làm việc. Thông thường khi đến làm việc ở một tỉnh nào đó, phóng viên không chỉ tiếp xúc với tỉnh, các sở mà còn phải đi xuống các huyện, xã, các doanh nghiệp để mời họ mua báo.
Cũng bởi vậy, nhiều lãnh đạo bộ khi gặp phóng viên Văn phòng ở các tỉnh thì không tin các cô gái trông mảnh mai thế, trắng trẻo, xinh đẹp thế lại có thể di chuyển mấy trăm cây số bằng xe máy. Còn anh Nguyễn Minh Tạo, nguyên Trưởng phòng Hành chính Trị sự khi biết chuyện thì thường nói vui “Bằng khen chưa ăn thua, phải phong anh hùng cho mấy cô gái ở văn phòng Nha Trang” vì thành tích đi công tác dài ngày bằng xe máy.
Thực ra cái chuyện đi phát hành báo ở các tỉnh bằng xe máy của Văn phòng vốn là “chuyện thường ngày của tụi em”, vất vả đấy nhưng cũng rất vui và hiệu quả. Ngày ấy, cán bộ, phóng viên Văn phòng ai cũng còn trẻ, đầy nhiệt huyết và đam mê. Lớn tuổi hơn cả là nhà báo Khuê Việt Trường khi đó cũng mới chừng 40, còn mấy nữ phóng viên đều mới ngoài 20 tuổi nên không thấy ngại, thấy khó.
Cái “truyền thống” đi tác nghiệp bằng xe máy ấy nối dài cho đến các phóng viên sau này về Văn phòng như: Lê Ngọc Minh, Nguyễn Hải Lộng, Lê Công Bình, Huỳnh Mỹ Dung… Sau này, phóng viên Văn phòng thường tổ chức đi theo đoàn 4 đến 5 người, dài ngày từ Nha Trang qua một chuỗi tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng về lại Khánh Hòa. Đôi khi thuận đường, họ còn tụt tạt vào tận các tỉnh như Đồng Nai hay ra tận Thừa Thiên - Huế khiến các văn phòng khác phải khiếu nại vì lấn sang địa bàn của họ.
Giờ nhớ lại những chuyến đi như thế ai cũng ngạc nhiên sao hồi đó lại khỏe thế, sung thế và liều thế. Và trên tất cả, đó là những kỷ niệm sâu đậm, những chuyến đi để đời. Trong những chuyến đi như thế cũng có nhiều chuyện vui và cả những chuyện không may. Vui vì mỗi lần đi công tác là một lần khám phá cái mới vẻ đẹp của các vùng đất, là những đêm cả nhóm không phân biệt nam, nữ ngủ chung trong một căn phòng của nhà nghỉ. Tuy nhiên cũng đã không ít những chuyện bất trắc đã xảy ra như: Hỏng xe giữa đèo, bị cướp tiền, phải nằm lại giữa đường vì lũ lụt hay bị trêu ghẹo, quấy phá…
Văn phòng Nam Miền Trung và Tây Nguyên khi đó thực sự rất được tòa soạn quan tâm. Chúng tôi được tòa soạn cho làm con dấu riêng, lại cấp cho một chiếc xe ô tô hiệu Toyota 12 chỗ. Tuy chỉ là xe cũ, anh em thường nói vui là “heo mọi” để phân biệt với Toyota cá mập, nhưng anh em rất tự hào vì ở Nha Trang có nhiều văn phòng báo nhưng không có văn phòng nào có xe ô tô như Văn phòng Báo Lao động và Xã hội. Tuy thế, bản thân tôi dù là Trưởng văn phòng nhưng khi đi công tác các tỉnh cũng vẫn đi bằng xe máy vì ngại tốn kém và sợ xe bị hư hỏng giữa đường.
Tôi còn nhớ có lần Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Người có công trên Tây Nguyên, để cho kịp thời gian, tôi và anh Lê Công Bình quyết định chạy xe máy lên dự cho kịp. Chiếc Dream anh Bình mới tậu nên chạy rất tốt. Khi vừa đi qua Dục Mỹ trên đường quốc lộ 26 từ Nha Trang lên Buôn Mê Thuột, anh Bình vì tránh một chiếc xe ô tô tải chạy lấn đường và thắng gấp, xe lộn 3 vòng, chúng tôi văng ra hai phía. Thời đó cũng chưa phải đội mũ bảo hiểm bắt buộc như bây giờ.
Mọi người ở gần đó chạy lại, người dựng xe, người đỡ chúng tôi dậy và hỏi han. Ai cũng nghĩ chắc chúng tôi đều khó qua khỏi hay chí ít cũng là gãy tay, sứt mặt. Tôi vẫn bình thường nên hỏi Bình: “Em có sao không?”. “Em không sao, còn anh có bị gì không?”, Bình hỏi lại. Tôi sờ lên đầu, lên mặt, giơ chân tay lên để kiểm tra thấy vẫn ổn. Đúng là chuyện lạ! Chúng tôi tiếp tục hành trình lên Tây Nguyên và số báo sau đó vẫn có bài tường thuật đầy đủ diễn biến hội nghị. Anh Lê Công Bình sau đó chuyển sang một số cơ quan báo khác, hiện là Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển. Thỉnh thoảng gặp lại, không khi nào chúng tôi không nhắc lại chuyến đi không thể quên đó.
Trong những năm làm việc ở Văn phòng, tôi còn nhiều chuyến đi khó quên khác như chuyến đi công tác cùng Thứ trưởng Trần Vinh Quang. Lúc đó, Thứ trưởng Quang là Thiếu tướng mới chuyển từ Quân khu 9 qua Bộ LĐ-TB&XH. Ngoài những chuyện vui, Thứ trưởng Quang là người có khiếu hài hước, thì thực sự là vất vả. Khác với một số lãnh đạo khác, Thứ trưởng Quang ít làm việc với các sở địa phương mà ông đi thẳng xuống các trường, trung tâm để nắm tình hình. Đã thế, ông lại quen với tác phong quân đội nên không ở chỗ nào quá lâu, lại thường tốc hành nên chỉ 1 ngày di chuyển qua 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum, ăn uống cũng đơn giản nên anh em theo ông đều rất mệt, phải cố gắng mới theo kịp.
Lần khác vào năm 2001, Tây Nguyên xảy ra bạo loạn. Một số phần tử xấu ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum bị kích động, lôi kéo đã dùng xe công nông chạy ra đường quốc lộ, cản trở giao thông, gây rối và trốn qua Campuchia với hy vọng được đón ra nước ngoài. Theo chỉ đạo của tòa soạn, tôi trực tiếp lên Tây Nguyên nắm tình hình đề viết bài. Khi tôi đi qua các huyện như: Krong Năng, Buôn Hồ, Ea H’leo (Đắk Lắk)… vẫn thấy nhiều xe công nông, gậy, đất đá nằm bên đường nhưng mọi chuyện đã tạm ổn.
Tôi chạy thẳng sang Kon Tum vì nghe nói tại một xã của huyện Sa Thày còn nhiều người chưa chịu về nhà, chính quyền đang giải thích vận động. Tôi ỷ mình có thẻ nhà báo, lại làm ở báo trung ương nên chạy thẳng lên huyện Sa Thày để viết bài cho kịp. Nào ngờ khi đến nơi lại không thể tiếp cận được xã có người vượt biên trái phép vì lực lượng an ninh không cho ai ra vào khu vực xã. Tôi phải quay lại TP. Kon Tum liên hệ với Sở Công an để họ trực tiếp đưa đi. Cũng may, tôi vốn có quan hệ từ trước với công an địa phương nên mọi chuyện cũng thuận lợi. Đêm đó, tôi ngủ lại trong làng đồng bào và chỉ mình tôi là nhà báo đến tác nghiệp. Không có nguy hiểm nào xảy ra với tôi, chỉ có điều cho đến trưa hôm sau khi có người đến đón về tôi mới được ăn cơm.
Giờ đây, Báo Lao động và Xã hội đã tròn 30 tuổi, thế hệ chúng tôi (những người đã nghỉ hưu) đã hoàn thành nhiệm vụ, những người đang làm cũng đã bước sang tuổi trung niên. Việc đi tác nghiệp ở các địa phương giờ cũng đã khác nhưng chuyến đi của ngày nào vẫn hiển hiện mồn một trong tâm khảm mỗi chúng tôi. Chúng tôi thường nhắc lại mỗi dịp gặp nhau để ngạc nhiên, để vui, tự hào và thấy thương hoài những chuyến đi. Chúng tôi - cứ nói vậy đi, đã công hiến hết cả tuổi thanh xuân của mình cho Báo Lao động và Xã hội, cho sự nghiệp của ngành. Chúng tôi tin rằng Báo Lao động và Xã hội sẽ ngày càng phát triển, ngày càng thân thương vì đó là ngôi nhà của chúng tôi, là niềm tự hào của mỗi chúng ta.