CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 08:49

Một tờ báo giàu chất nhân văn

Những gương mặt một thời           

Năm 1994, sau khi đăng liên tiếp 2 phóng sự: “Sài Gòn làm, Sài Gòn ăn, Sài Gòn chơi” (3 kỳ); “Buồn vui bầu sô và ca sĩ” (2 kỳ), tôi được nhận về làm phóng viên chính thức Báo Lao động - Xã hội. Khi ấy, cố Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm là Tổng Biên tập; 2 Phó tổng Biên tập là nhà báo Nguyễn Ngọc Niên và nhà báo Kim Quốc Hoa; họa sĩ Chu Thảo làm Thư ký tòa soạn (kiêm trình bày); nhà báo, nhà văn Đỗ Ngọc Thạch biên tập. Là cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH, Báo được định hướng, tổ chức các trang, chuyên mục bám sát thực tế của ngành như: Lao động, việc làm, dạy nghề, người có công, thương binh, liệt sĩ, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội… mang đậm bản sắc của một tờ báo ngành. Mọi hoạt động của Bộ, ngành đều được đề cập trên Báo một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ đúng tôn chỉ mục đích.

Thời gian đầu, Báo mới xuất bản, hầu hết bản thảo của phóng viên và cộng tác viên gửi tòa soạn đều viết tay, có không ít bản thảo rất khó đọc, thậm chí có những bản thảo chưa thể gọi là một bài báo. Nhưng nhà báo, nhà văn Đỗ Ngọc Thạch vốn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1976) từng làm việc nhiều năm ở Viện Văn học Việt Nam; Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã chăm chút biên tập thật kỹ lưỡng từng câu chữ, thật có nghề, có tâm để có những bài báo hoàn chỉnh hấp dẫn bạn đọc. 

Nhờ tập hợp được đông đảo lực lượng phóng viên và cộng tác viên yêu nghề và có tâm huyết, từ chỗ báo in tại TP. Hồ Chí Minh phát hành 2 tuần 1 kỳ, chỉ sau một thời gian ngắn đã tăng lên mỗi tuần 1 kỳ, rồi tuần 2 kỳ. Đặc biệt, đến năm thứ 2, với chủ trương không ngừng cải tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, Báo đã đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, ra mắt bạn đọc bộ mới và tăng lên tuần 3 kỳ, phát hành vào thứ Ba, Năm và Chủ nhật. Đây chính là thời gian lãnh đạo Báo quy tụ được rất nhiều gương mặt nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ có tiếng trong làng báo, làng văn về trực tiếp biên tập nội dung và viết bài. Đó là các nhà thơ, nhà báo: Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện), Lưu Trọng Văn, Đinh Quang Hùng, Chóe (Nguyễn Hải Chí)… đều là những nhà báo có tiếng của Báo Lao động chuyển về. Là người giữ vai trò tổ chức nội dung Báo Lao động - Xã hội số Chủ Nhật. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề nhà thơ, nhà báo Hoàng Thoại Châu đã góp phần nhanh chóng đưa tờ báo có tính đột phá mới về nội dung, hình thức.

Nhà thơ, nhà báo Hoàng Thoại Châu có tên thật là Huỳnh Tiên, sinh năm 1942 tại Quảng Nam, ông nổi tiếng trong làng báo với bút danh Ba Thợ Tiện trên các tờ báo: Tuổi Trẻ, Lao động rồi Lao động - Xã hội. Nói riêng về bút danh Ba Thợ Tiện, độc giả cả nước không xa lạ gì, bởi những bài báo gai góc của ông từ lâu đã xuất hiện trên các tờ báo nổi tiếng như: Tuổi Trẻ, Lao động. Đó là những bài báo đề cập trực tiếp đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội, đặc biệt là chống tiêu cực với nhiều bài gây chấn động dư luận khi ấy. Sở trường của ông là viết về những câu chuyện đời thường nhưng có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất văn và báo chí khiến độc giả thích thú, vì mỗi bài viết vừa có sự quan sát tinh tường nhạy bén của một nhà báo, vừa có sự suy tư sâu sắc của một nhà văn, nhà thơ.

Nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn.

Nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn.

Chung sức chung lòng với ông Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện) có nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn, khi ấy vừa trực tiếp viết bài, vừa chuyên lo nội dung cho trang văn hóa văn nghệ. Đây cũng là sở trường và thế mạnh của nhà thơ, nhà báo Lưu Trọng Văn nên đã góp phần làm cho trang văn hóa - văn nghệ của Lao động - Xã hội Chủ nhật thật sự hấp dẫn, cuốn hút đối với độc giả.

Đặc biệt làm cho Lao động - Xã hội số Chủ nhật thêm phần sinh động hơn, độc đáo hơn còn có sự góp mặt của họa sĩ Chóe, tên thật là Nguyễn Hải Chí, sinh ngày 11/11/1943 tại Chợ Mới (An Giang). Là họa sĩ chuyên về biếm họa, ông nổi tiếng từ trước 1975 ở Sài Gòn và được đánh giá là họa sĩ biếm số một Việt Nam, với những bức tranh biếm đặc sắc phê phán những thói hư tật sấu của xã hội qua nhiều thời kỳ. Ông là người đa tài, ngoài vẽ tranh biếm nổi tiếng, ông còn viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc và ở lĩnh vực nào ông cũng gặt hái thành công. Đó là ba trong số nhiều gương mặt nhà báo, nhà thơ, họa sĩ đã một thời góp phần làm cho tờ Báo Lao động - Xã hội (đặc biệt là số Chủ nhật) gây được tiếng vang trong làng báo chí từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước.

Hướng tới tính nhân văn

Năm 1994 – 1995, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Pháp lệnh là: Pháp lệnh Ưu đãi người người có công với cách mạng và Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Hướng tới tính nhân văn và tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, người có công với nước, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, được phép của Bộ LĐ-TB&XH, Báo đã thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước hình thành quỹ này, đồng thời khởi xướng phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Để hiện thực hóa 2 Pháp lệnh trên, lãnh đạo Báo đã chỉ đạo phóng viên đi về các địa phương tìm hiểu, nắm bắt thông tin, tập hợp tư liệu để viết về đề tài đền ơn đáp nghĩa một cách thiết thực và kịp thời nhất. Đề tài thương binh, liệt sĩ với hình ảnh những người con ưu tú, anh dũng của dân tộc (có người còn sống, có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường) luôn là sự trăn trở day dứt thôi thúc các phóng viên thể hiện qua những bài báo. Tất cả phóng viên được phân công đều bám đúng chủ đề “Đền ơn đáp nghĩa”, ca ngợi sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, thương - bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thân nhân liệt sĩ. Thông qua những bài báo, những chiến công và tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ, thương - bệnh binh trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam tri ân tưởng nhớ.

Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí)

Nhà thơ, nhà văn, họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí)

Đồng thời qua các bài báo, sự tôn vinh những nghĩa cử giàu chất nhân văn, giàu lòng nhân ái của những nhà hảo tâm, người thiện nguyện cùng đồng hành tài trợ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Trên mặt Báo xuất hiện rất nhiều bài viết, đặc biệt là những phóng sự xã hội rất cảm động về những tấm gương hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương - bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người bị di chứng do ảnh hưởng chất độc màu da cảm và sự đồng hành chia sẻ của các nhà hảo tâm… Ngoài ra, Báo tổ chức các chương trình tri ân mang đậm tính nhân văn như: “Huyền thoại Mẹ Việt Nam”, “Linh thiêng Việt Nam”, “Tổ quốc linh thiêng”… thông qua đó đã vận động được nhiều tỷ đồng tặng gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, đỡ đầu nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Phóng sự là “mũi nhọn”

Tuy là tờ báo ngành và ra đời sau nhiều tờ báo lớn nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung nhưng Báo Lao động - Xã hội ngay từ những năm đầu xuất bản đã có những phóng sự xã hội hấp dẫn độc giả và trở thành thế mạnh một thời của Báo. Có thể nói, trong các thể loại báo chí phóng sự nói chung, phóng sự xã hội nói riêng luôn là thể loại có khả năng diễn tả phong phú, có sức thu hút độc giả trong quá trình phản ánh hiện thực và sức thuyết phục cao. Chính vì thế, phóng sự xã hội luôn được Ban Biên tập Báo hồi ấy quan tâm chú trọng và xếp vào loại “bài đinh” và là “mũi nhọn” của mỗi số báo.

Nhà thơ, nhà báo Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện).

Nhà thơ, nhà báo Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện).

Nhận thấy Báo Lao động - Xã hội có “đất dụng phóng sự”, nhà báo Tham Lang (Phạm Hy Phú), cây viết phóng sự nổi đình nổi đám của Báo Thanh Niên đã về đầu quân để chuyên viết phóng sự cho Báo. Bằng sự trải nghiệp cuộc sống rất phong phú, cộng với cách thể hiện giàu tính văn học, những phóng sự của Tham Lang đã đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc, đủ cả “hỉ, nộ, ái, ố” của xã hội đương thời. Phóng sự của Tham Lang luôn được độc giả đón đọc một cách say mê, hứng thú đặc biệt là loạt phóng sự về cuộc đời, số phận bi kịch của những “cư dân làng bẹp” (người nghiện ma túy nói chung, thuốc phiện nói riêng) ở Sài Gòn. Nhiều người nhận xét, đọc phóng sự xã hội của Tham Lang, nhất là những phóng sự về người nghiện ma túy thấy thấp thoáng bóng dáng của cố nhà văn tài danh Nguyễn Công Hoan, với “mưu làng bẹp”.

30 năm, ngoảnh lại những tháng năm đã qua thấy Báo không ngừng phát triển luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong hoàn cảnh, điều kiện báo mạng gia tăng, độc giả báo giấy giảm nhưng Báo vẫn nỗ lực tìm mọi biện pháp khắc phục, duy trình ổ định số lượng phát hành, đó là điều rất đáng mừng và tự hào.      

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Thương hoài những chuyến đi

Thương hoài những chuyến đi

(Dân sinh) - Tháng 10/1996, Văn phòng Đại diện Nam Miền Trung và Tây Nguyên (Văn phòng) chính thức được thành lập, nhân sự gồm 5 người: Nguyễn Kim Tuấn, Nguyễn Thu Hà, Khuê Việt Trường, Hà...
1 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh