THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:43

Người ba lần vinh dự được gặp Bác Hồ

 

Thắp khát vọng từ những cuộc gặp

Thầy Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1945 tại xã Phước Long (huyện Tuy Phước, Bình Định), vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Là con trai cả trong gia đình có 6 người con, những năm cha đi kháng chiến chống Pháp, gia đình nghèo, từ nhỏ cậu bé Hải đã chứng kiến cảnh cha, mẹ chạy cơm từng bữa lo cho các em ăn học. Lục lại ký ức cũ, ông Hải tâm sự: “Những ngày tháng đó cơ cực lắm, cả nửa tháng không biết bát cơm trắng là gì, chỉ là mì, khoai…”. Chính vì vậy, dù không được đến trường, nhưng có thời gian rảnh là Hải lại lao vào học miệt mài và được cha chỉ dạy trong những thời gian được về thăm nhà. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Hải không chỉ biết đọc, mà còn viết thành thạo, đó là việc hiếm  ở vùng quê nghèo thời đó. 

Đến năm 1955, thầy Hải theo gia đình tập kết ra Bắc và vào thẳng lớp 3 của Trường học sinh miền Nam số 19 (thị xã Sơn Tây, Hà Đông). Chính những ngày tháng này, cậu học sinh Nguyễn Xuân Hải may mắn ba lần gặp được gặp Bác Hồ. Đã hơn 50 năm trôi qua, kể từ ngày được gặp Bác đầu tiên, nhưng qua trang hồi ức của thầy, những câu chuyện về Người vẫn như mới ngày nào. Đó là mùa hè năm 1959 -1960,  Nguyễn Xuân Hải đang học lớp 7, được chọn tham gia “Trại bồ câu trắng” dành cho các thanh thiếu niên có thành tích học tập xuất sắc trên toàn miền Bắc tại công viên Bách Thảo (Hà Nội).

Thầy Nguyễn Xuân Hải ôn lại kỷ niệm những lần gặp bác Hồ  


Trong dịp này, cậu học trò quê Bình Định có được vinh dự bất ngờ. “Sau hai ngày cắm trại được các anh chị, thầy cô phụ trách thông báo là Bác Hồ sắp đến thăm. Chúng tôi sung sướng và hạnh phúc hồi hộp chờ đợi từng giây được gặp Bác. Hôm đó, khoảng gần 9 sáng,  Bác cùng với Tổng thống Indonesia, Xu-các-nô đi vào. Nhìn thấy Bác, hàng trăm thiếu niên chạy ùa tới, các anh chị phụ trách nói: “Các em hãy giãn ra đứng thành vòng tròn xung quanh Bác Hồ và Tổng thống Xu-các-nô. Sau đó, Bác cùng múa hát với chúng tôi, rất gần gũi và thân thuộc. Ánh mắt Bác nhìn trìu mến, chúng tôi tưởng tượng như một ông tiên. Tiếp sau đó,  Bác bước lên sân khấu giới thiệu  Xu-các-nô là Tổng thống Indonesia và căn dặn đến các cháu học sinh, là chủ nhân tương lai của đất nước, cần phải chăm ngoan học giỏi mới có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Trong giây phút đó, tôi nhớ mãi Bác có hỏi: “Các cháu có biết xã hội chủ nghĩa là gì không”,  Bác dừng lại vài giây rồi giải thích cho chúng tôi…”.

Và những lời Bác căn dặn ngày hôm đó, đã hun đúc, nhen  nhóm  ngọn lửa nhiệt huyết trong con người thầy không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tu dưỡng để cống hiến cho đất nước.

 Vào năm 1961- 1962, thầy Hải may mắn được gặp Bác lần thứ hai. Năm đó, thầy đang là học sinh lớp cấp 3 của Trường học sinh miền Nam số 24 ở huyện Chương Mỹ (Hà Đông), đang trong giờ thì Bác bất ngờ đến thăm. Sự hiện diện của Bác làm cho tất cả học sinh đều ngỡ ngàng trong niềm hạnh phúc.Vào cuối năm học, ghi nhớ lời dạy của Bác, thầy nỗ lực phấn đấu và được kết nạp vào Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam. 

 Lần thứ ba, thầy gặp Bác tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/1966 tại hội trường Ba Đình. (Vào thời điểm này, đế quốc Mỹ thực hiện leo thang ném bom bắn phá ra miền Bắc, mở rộng phạm vi chiến tranh xâm lược trên cả nước). Khi đó thầy Nguyễn Xuân Hải  đang là sinh viên năm thứ 3, là đoàn viên ưu tú được chọn đi dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc khánh. Nhớ lại lần đó thầy Hải xúc động nói: “Gặp Bác lần thứ ba rồi,  nhưng vẫn là cảm xúc như lần đầu, đó là niềm vinh dự, hạnh phúc và tự hào.  Mỗi lần gặp Bác, tôi như thêm ý chí và nghị lực để phấn đấu học tập tốt để xứng đáng công ơn của Đảng, Bác Hồ để sau này cống hiến nhiều cho đất nước…”

Không chỉ được gặp Bác Hồ, mà ông Hải còn vinh dự được hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần một vào năm 1966 và lần hai vào dịp Khánh Hòa kỷ niệm 48 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến chống thực dân Pháp (23/10/1945-23/10/1993). 

Thầy Nguyễn Xuân Hải (áo trắng đứng ngoài cùng bên trái) trong lần gặp gỡ các đồng nghiệp.


Làm việc thiện từ lời dạy của vĩ nhân

Sau khi được gặp Bác, thầy Nguyễn Xuân Hải luôn tạc dạ, ghi nhớ học tập và cống hiến hết mình  phục vụ cho Tổ quốc theo những lời dạy, căn dặn ấm áp từ vị Cha già kính yêu của dân tộc. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, thầy được phân công lên miền núi dạy học tại Trường cấp 3 tỉnh Bắc Kạn. Đến năm 1968,  chuyển công tác về Trường cấp 3 Phổ Yên (Thái Nguyên) và cuối năm 1968, thầy viết đơn xung phong đi “B” vào chiến trường miền Nam và được Bộ GD&ĐT triệu tập tập huấn nghiệp vụ sư phạm sẵn sàng lên đường. Được vào miền Nam chiến đấu và dạy học đó là niềm mơ ước của thầy khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường: “Thấy các chú, các anh đang chiến đấu ngoài chiến trường lòng mình như rạo rực, muốn đi lắm. Và rồi khi nhận nhiện vụ tham gia chiến trường miền Nam, tim tôi như vỡ tung vì hạnh phúc, trong những thời khắc đó hình tượng Bác Hồ cũng những lời dạy của Người trước đó..”. Đó là động lực để thầy Hải phấn đấu và được bầu làm Bí thư đoàn trường và Uỷ viên thường vụ của Đoàn thanh niên Nhân dân cách mạng Hồ Chí Minh”. 

 Địa điểm huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) là nơi chiến tranh diễn rất ác liệt, thường xuyên bị địch truy quét và lùng sục. Tuy khốc liệt và gian khổ là vậy, nhưng các thầy và trò, nơi ông Hải công tác vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn đảm bảo dạy, học và nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Thầy Hải nhớ lại: “Những năm tháng đó, cả thầy và trò đều bị sốt rét và bệnh tật hành hạ. Quân địch thì bao vây, cô lập chặn hết đường chi viện tới trường. Lương thực cạn kiệt, thậm chí là 3 tháng toàn trường không có gạo ăn, chỉ ăn toàn củ và lá mì ăn thay cơm, nhưng tất cả đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đào tạo và sản xuất tự cung tự cấp”.

Tháng 4/1975, thầy Nguyễn Xuân Hải được phân công về thị xã Nha Trang tiếp quản ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, thầy được luân chuyển sang công tác quản lý giữ nhiều chức vụ như: Trưởng phòng giáo dục huyện Diên Khánh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Uỷ viên ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cũng kể từ ngày đất nước giải phóng, được lao động và cống hiến trong hòa bình, trong lòng ông Hải vẫn luôn trỗi dậy câu nói của Bác Hồ: “ Hãy tận tình và giúp đỡ đồng đội, những người bên cạnh mình, khi họ còn khó khăn”. Cứ thế, suốt mấy chục năm dành dụm được bao nhiêu tiền lương, thầy Hải lại dành ủng hộ cả cho các em bị nhiễm chất độc da cam. Có những dịp cuối tuần, thầy còn tận tình đến vùng sâu giúp bà con đồng bào nhiều việc làm hữu ích với tâm niệm: “Ban đầu cũng ngại nhưng nhớ lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải biết vượt qua mọi khó khăn thì lúc đó tinh thần lại hăng say lên hẳn. Cứ thế suốt bao năm những ngả đường đến với các buôn làng, tôi đều không ngần ngại”. Sau năm 2003, thầy Hải nghỉ hưu và hiện là Phó Chủ tịch Hội giáo chức tỉnh Khánh Hòa.

Hơn 40 mươi năm tuổi Đảng, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương trong kháng chiến chống Mỹ và những đóng góp cho sự nghiệp ngành giáo dục-đào tạo. Dù tuổi đã cao, nhưng thầy Nguyễn Xuân Hải vẫn thường xuyên kể những câu chuyện về Bác Hồ, truyền thống cách mạng giáo dục, để dạy bảo cho con cháu: “Phải luôn học tập trau dồi đạo đức, sống có lý tưởng và hoài bão để cống hiến cho xã hội, biết giúp đỡ những thân phận thiệt thòi trong cuộc sống”.

ĐÔNG HƯNG - PHẠM NHÀI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh