THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:06

Hòa Bình đẩy mạnh 6 chương trình tình nghĩa với NCC

 

Hiệu quả các chương trình chăm sóc người có công

Hòa Bình hiện có trên 12.000 gia đình người có công (NCC), trong đó 8.018 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hàng tháng. Cùng với các chính sách và trợ cấp ưu đãi của nhà nước, hàng năm tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ NCC như: Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết.

Tỉnh đã hỗ trợ làm nhà, xây dựng nhà điều dưỡng, phát động toàn xã hội tham gia giúp đỡ NCC thông qua 6 chương trình tình nghĩa như: Tặng số tiết kiệm, xây dựng nghĩa trang, đài tưởng niệm, quỹ tình nghĩa, vườn cây và nhà tình nghĩa. Các phong trào đã trở thành thường xuyên và sâu rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần NCC.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, các gia đình NCC có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn, Hòa Bình xác định tập trung quán triệt sâu sắc các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, NCC, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình chăm sóc NCC. 

Thường xuyên chỉ đạo xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC và có cơ chế khuyến khích tài chính thỏa đáng để đội ngũ cán bộ thực thi hoàn thành nhiệm vụ. Xã hội hóa phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh 6 chương trình tình nghĩa chăm sóc NCC, xóa nhà tạm đối với NCC; chính sách ưu đãi NCC giai đoạn tới phải được xây dựng trong mối quan hệ chặt chẽ với những chính sách tiền lương, BHXH.

 

Dệt thổ cẩm phát triển du lịch tạo nhiều việc làm cho lao động ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình). 

 

Giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững

Cuối năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh Hòa Bình mới đạt là 49%, tuy nhiên số có bằng cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 18%, đây là tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, như vậy năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực còn gặp rất nhiều khó khăn.

Là tỉnh miền núi, điểm xuất phát kinh tế thấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72%, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm trên 20,98% dân số của tỉnh, hạ tầng còn thiếu thốn dẫn đến sản xuất kém phát triển, hàng năm ngân sách Trung ương còn phải cân đối khoảng 75%. Để giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, Hòa Bình xác định bên cạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương xây dựng nông thôn mới tới từng người dân, cán bộ quản lý thì vấn đề quan trọng hàng đầu là cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Phát triển và đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho lao động ở nông thôn thông qua việc phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã. Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn qua chương trình phát triển thị trường lao động.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động thông qua việc tiếp tục củng cố, sắp xếp hệ thống 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn tỉnh theo hướng hiện đại. Tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức kỹ thuật công nghệ mới cho đội ngũ giáo viên dạy nghề; có cơ chế, chính sách thu hút người có học vị cao, kinh nghiệm, các nghệ nhân, thợ giỏi về làm giáo viên ở các cơ sở dạy nghề; tăng cường hỗ trợ ngân sách cho công tác dạy nghề; thực hiện xã hội hóa dạy nghề ở Hòa Bình; đẩy mạnh công tác dạy nghề cho người lao động nông thôn.

Hoàn thiện việc quy hoạch, hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các trung tâm dịch vụ việc làm, phát huy hiệu quả từ việc tổ chức các phiên giao dịch của sàn giao dịch việc làm ở tỉnh đến các huyện, thành phố, các cụm, các vùng liên huyện, liên xã, xã để tư vấn giới thiệu việc làm; cho vay hỗ trợ việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Nguyễn Thanh Thủy (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hòa Bình)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh