Ninh Bình: Triển khai các hoạt động lao động, người có công, và xã hội
- Bài thuốc hay
- 15:23 - 30/01/2018
Trao tặng cờ thi đua của UBND tỉnh Ninh Bình
Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình đã tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng và ban hành nhiều chính sách quan trọng, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 28 ngày 6/7 về Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng đến năm 2020; Nghị quyết số 24 ngày 6/7 về Phê duyệt Đề án xuất khẩu lao động.
Trong năm 2017, Ninh Bình đã tuyển sinh và đào tạo nghề mới 17.100 lao động (vượt 0,58% kế hoạch) nâng tổng số lao động qua đào tạo nghề lên 46% (tăng 3% so với năm 2016); tạo việc làm mới cho 20.000 lao động (vượt 3,1%) trong đó có 1.000 người đi xuất khẩu lao động. Các hoạt động kết nối cung - cầu lao động; thu thập, cập nhật, thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ, các hoạt động của Sàn giao dịch việc làm và các phiên giao dịch định kỳ hàng tháng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận thị trường lao động nhất là nhóm người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để họ sớm quay lại thị trường lao động.
Trong năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách, pháp luật lao động cho 15.447 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 1.101 lượt người trong đó có 661 người được tuyển dụng trực tiếp tại tiếp tại Sàn giao dịch, 307 lượt người lao động thất nghiệp được giới thiệu việc làm quay lại thị trường lao động, 133 lao động được giới thiệu đi làm việc tại nước ngoài.
Các cá nhân, tập thể nhận bằng khen tại Hội nghị
Kịp thời giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trong năm tiếp nhận 3.302 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thẩm định và ra quyết định cho 3.205 hồ sơ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với tổng số tiền chi trả trên 33,382 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 65 doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài với tổng số lao động 442 người. Trong năm đã thẩm định cấp mới giấy phép lao động cho 186 người, cấp lại giấy phép lao động 101 người, xác nhận cho lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động 51 người; thẩm định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài tại 81 doanh nghiệp...
Trong công tác NCC, Ninh Bình đã tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ, đảm bảo chi trả đúng, đủ, kịp thời cho các đối tượng, giải quyết các chính sách kịp thời không để tồn đọng, kéo dài. Hiện nay Ninh Bình có 98,12% hộ gia đình, chính sách NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. 100% xã phường làm tốt công tác NCC, xây dựng, tu sửa nghĩa trang đảm bảo khang trang, sạch sẽ…
Tỉnh Ninh Bình đã tập trung xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách đối với trên 13.064 lượt đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi (Trong đó: thẩm định 20 hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH (đã có quyết định phong tặng 12 mẹ VNAH), đề nghị công nhận 09 liệt sỹ, giới thiệu đi giám định 208 người và giải quyết chế độ cho 61 người HĐKC bị nhiễm CĐHH, trợ cấp cho 76 người theo QĐ số 62/TTg, 6.612 người theo Quyết định số 24/QĐ-TTg; điều chỉnh và truy thu trợ cấp đối với 2.043 người HĐKC bị nhiễm CĐHH theo Thông thư số 22/2016/TT-BLĐTBXH...); Duy trì thực hiện chính sách ưu đãi cho 24.528 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 2.800 đối tượng hưởng ưu đãi trong GD-ĐT, trên 35.000 đối tượng hưởng ưu đãi BHYT do Ngân sách TW cấp và trên 50.000 đối tượng hưởng ưu đại BHYT do Ngân sách địa phương cấp; Đề nghị cấp lại 428 Bằng Tổ quốc ghi công, kiểm tra, rà soát hồ sơ và thông báo 404 trường hợp đề nghị cấp mới Bằng Tổ quốc ghi công theo Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH để các địa phương tổ chức xác minh thông tin về Liệt sỹ.
Do thực hiện tốt việc xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách Người có công, đến nay Ninh Bình không có hồ sơ tồn đọng theo quy định tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH….
Công tác giảm nghèo, đã tham mưu triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả tạo điều kiện để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo: Triển khai chính sách Bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; tổ chức 07 hội nghị đối thoại trực tiếp với gần 1.000 hộ nghèo nhằm phổ biến, giải đáp chính sách giảm nghèo; tập huấn nghiệp vụ về công tác giảm nghèo cho 534 cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo các cấp, đại diện cộng đồng các xã đặc biệt khó khăn diện đầu tư Chương trình 135; Ngân hàng CSXH triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi liên quan đến giảm nghèo với tổng doanh số cho vay ước đạt 500 tỷ đồng, cho 21.215 lượt hộ vay; 3.640 lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, đóng góp với kinh phí 1,476 tỷ đồng; trên 76 ngàn lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí 14,121 tỷ đồng; có 216.497 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân vùng đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình thẻ được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí trên 57,4 tỷ đồng.
Với nỗ lực, vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo Ninh Bình giảm xuống còn 4,52% (giảm 1,25% so với năm 2016), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 6,10% (giảm 0,39% so với năm 2016)...
Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành trong thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo trong thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về các lĩnh vực được giao; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết nhà ở cho NCC; thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, xuất khẩu lao động, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới…
Nhân dịp này, tại Hội nghị có 03 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 03 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; 3 tập thể được UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; 10 tập thể và 24 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh.