THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:27

Giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công tồn đọng, trả lời thỏa đáng cho địa phương

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp (Ảnh trong bài: Mạnh Dũng)

 

Chiều ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Cục Người có công và một số đơn vị trực thuộc Bộ về giải quyết hồ sơ tồn đọng và nhiệm vụ năm 2019. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý.

Dày công tập trung sửa đổi Pháp lệnh, phù hợp thực tiễn

Bộ trưởng đánh giá, bức tranh lĩnh vực người có công nhất là dịp Tết nguyên đán vừa qua, để lại dấu ấn tốt đẹp. Tết chính là đỉnh cao của sự quan tâm Đảng, Nhà nước với người có công, người nghèo, gia đình  khó khăn, đồng bào dân tộc miền núi...

Thời gian qua, uy tín của ngành được nâng lên, một phần nhờ chúng ta đã giải quyết được những vấn đề gai góc nhất, còn tồn đọng trong lĩnh vực người có công. Điều này đã được các đại biểu Quốc hội và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, công việc ngày càng khó khăn khăn hơn, do đó đòi hỏi từng cán bộ của ngành phải trí tuệ hơn, có cách làm sáng tạo hơn. Bộ trưởng cũng nhắc nhở không được thỏa mãn với những việc đã làm, bởi ngành còn rất nhiều việc cần phải giải quyết để phục vụ nhân dân. “Bản thân tôi lúc nào cũng canh cánh lĩnh vực này, lúc nào cũng cảm thấy trăn trở vì mình chưa làm hết được những điều mà người dân vẫn còn trông đợi”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ngay bây giờ Cục Người có công phải đối chiếu, đánh giá lại bao nhiêu chỉ tiêu chúng ta đã hoàn thành, phấn đấu đến 2019 có hoàn thành được không?”, Bộ trưởng yêu cầu và nêu các chỉ tiêu cần phải thực hiện theo chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đó là: Người có công phải có mức sống cao hơn mức trung bình của địa bàn dân cư; Hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; Hoàn thành căn bản hồ sơ người có công tồn đọng; Sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công…

Về sửa đổi Pháp lệnh Người có công với cách mạng, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải dày công khi tập trung sửa đổi, sao cho phù hợp thực tiễn. Đích thân các đồng chí phải xuống các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, nuôi dưỡng người có công, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của họ để lấy ý kiến”, Bộ trưởng yêu cầu và cho hay, những lần ông đích thân đi cơ sở, tiếp xúc, trò chuyện với họ, nhiều câu chuyện giúp mình nắm bắt được thực tế, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ, có vậy mới nắm bắt được thực tiễn để làm chính sách.

Hỏi thật, bao nhiêu cán bộ của Cục đi xuống cơ sở nghe thực tế, len lỏi vào cuộc sống để nắm bắt, làm chính sách chưa, hay ngồi bàn “vẽ” chính sách. Nên các đồng chí phải có thực tiễn, để nhìn ra những bất cập cần sửa đổi. Chính sách phải bắt đầu từ cuộc sống và trở lại phục vụ cuộc sống”, Bộ trưởng yêu cầu.

Về giải quyết hồ sơ tồn đọng, Bộ trưởng chỉ đạo cần tập trung cao độ, từ nay đến giao ban, từng địa phương phải báo cáo về hồ sơ tồn đọng là bao nhiêu. Đơn vị, tỉnh nào xong thì Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ là không còn hồ sơ tồn đọng là liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh.

Cùng với đó, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, trả lời thỏa đáng cho địa phương để có căn cứ trả lời đối tượng.

 

Nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí- chuyên gia cao cấp của Bộ phát biểu tại cuộc họp


Chia sẻ những khó khăn của Cục Người có công trong công tác giải quyết đơn thư, nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí- chuyên gia cao cấp của Bộ cho rằng, Bộ cần phát huy vai trò đúng mức của các Sở. Có tình trạng, cán bộ các địa phương không nghiên cứu kỹ các văn bản chính sách về lĩnh vực người có công, vì vậy khi người dân hỏi đến không trả lời được dẫn đến kiến nghị kéo dài. Nhiều việc thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết nhưng không giải quyết, “đẩy” việc lên Bộ.

Đã xem xét, giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng tại các cấp ở địa phương  

Báo cáo với Bộ trưởng về công tác xác nhận người có công và giải quyết hồ sơ tồn đọng, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho biết: Giai đoạn 2017- 2018, thực hiện theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã xem xét, giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng tại các cấp ở địa phương.

Đến nay đã xem xét, giải quyết toàn bộ hồ sơ đề nghị của các địa phương, đã trình cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 1.792 liệt sĩ, công nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Các trường hợp không đủ điều kiện đã trả lời địa phương để giải thích cho đối tượng, đến nay không có kiếu nại”, ông Lợi cho biết.

 

Toàn cảnh cuộc họp

 

Thực hiện Thông báo số 1616/TB-LĐTBXH ngày 27/4/2018 kết luận của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tại Hội nghị giao ban công tác LĐ-TB&XH, các địa phương đã tiến hành tập hợp, rà soát, phân loại và xem xét hồ sơ. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hồ sơ tồn đọng là 211 hồ sơ tại 25 tỉnh, thành phố.

Về xác nhận người có công, ông Đào Ngọc Lợi cho biết, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 444 trường hợp. Đầu năm 2019, Cục Người có công đã trình lãnh đạo Bộ xem xét đối với 241 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ. Hiện nay còn tồn đọng một số trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ còn vướng mắc cần xin ý kiến lãnh đạo Bộ.

Ông Lợi cũng thông tin, trong năm 2019, Cục Người có công sẽ tổ chức các đoàn đi các địa phương để hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công tại các địa phương: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Dương, Tây Ninh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đắk Lắk và Kon Tum.

Đáng chú ý, về Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), vị Cục trưởng Cục Người có công cho hay, đến nay đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư Pháp để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh năm 2019. 

Về điều này, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, cần tập trung cao độ hoàn thiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) một cách toàn diện. “Đây là cơ hội để chúng ta sửa chữa những bất cập và cần bám vào cuộc sống để xây dựng chính sách, từ đó chính sách mới quay lại phục vụ cuộc sống một cách hiệu quả”, Bộ trưởng khẳng định.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh