Bám vào dân để giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng
- Người có công
- 04:15 - 22/03/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu tại buổi làm việc.
Báo cáo với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về tình hình kinh tế xã hội của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Chuyện cho biết, năm 2017 tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh đạt hơn 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng.
“Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm vừa qua của địa phương đi đúng hướng, tuy nhiên do xuất phát điểm thấp, nên Sóc Trăng vẫn là tỉnh nghèo nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, kinh tế chủ đạo vẫn là nông nghiệp nhỏ, chưa có những sản phẩm mang giá trị kinh tế cao như nuôi tôm ở Bạc Liêu...” - Chủ tịch Trần Văn Chuyện cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện báo cáo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội trên địa bàn.
Là tỉnh có đông đồng bào Khmer (tỷ lệ hơn 30%), sống phụ thuộc vào nông nghiệp, theo chuẩn nghèo đa chiều, đến cuối năm 2017 toàn tỉnh còn 38.304 hộ nghèo (tỷ lệ 11,85%), riêng hộ đồng bào Khmer là hơn 18.000 hộ, chiếm tỷ lệ 17,95%, hộ cận nghèo Khmer là 15.846 hộ. Cũng theo Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn được tỉnh đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
“Lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trong những năm gần đây Sóc Trăng được sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ LĐ -TB&XH nên có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên, là địa phương nghèo chưa tự chủ được ngân sách nên còn gặp rất khó khăn, đặc biệt trong công tác giảm nghèo bền vững và việc chuyển đổi dạy nghề cho lao động nông thôn...” - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng Lê Hoàng Điện cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ những khó khăn của tỉnh và đặc biệt quan tâm đến công tác thực hiện chính sách người có công, dạy nghề lao động nông thôn và công tác giảm nghèo bền vững, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
Lắng nghe Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng báo cáo tình hình kinh tế xã hội, thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt quan tâm đến công tác thực hiện chính sách người có công, dạy nghề lao động nông thôn và công tác giảm nghèo bền vững.
“Việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng theo quy trình 408 (Quyết định 408/2017/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn động đề nghị xác nhận người có công), theo báo cáo cơ bản đã xong, nhưng đó là hồ sơ cấp tỉnh. Vậy, còn hồ sơ tồn đọng trong dân, ở cấp xã, tỉnh có đảm bảo không còn tồn đọng?” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý địa phương về việc áp dụng tin học trong quản lý liệt sĩ, người có công, và việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng cho biết, tỉnh còn hơn 2000 hồ sơ đề nghị công nhận nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, việc tiến hành rà soát hồ sơ người có công tồn đọng trong dân ở cấp xã, huyện, theo chỉ đạo của Bộ trưởng sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018.
“Việc giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng phải bám vào dân để giải quyết theo Quy trình 408, vào cuộc quyết liệt, thực hiện công khai, minh bạch từng hồ sơ, từng trường hợp, chặt chẽ theo quy trình, nhưng cần linh hoạt, không để sót người có công không được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và không để trục lợi, man khai hồ sơ...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH Sóc Trăng.
Đồng ý với chủ trương của tỉnh Sóc Trăng tiến hành rà soát lại hệ thống dạy nghề trên địa bàn (hiện tỉnh có 13 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường cao đẳng nghề, một số trường trung cấp), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, với các trung tâm dạy nghề hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở dạy nghề cấp huyện, Sóc Trăng nên tính toán sáp nhập lại thành 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Bên cạnh đó, với các trường trung cấp nghề, trường trung cấp sư phạm, trung cấp nghệ thuật của tỉnh cũng nên tính toán tích hợp thành 1 trường cao đẳng nghề Sóc Trăng, đào tạo theo mô hình 3 trong 1, theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, chất lượng thu hút người theo học.
“Để tiến hành bài bản cần rà soát, tính toán kỹ và có Đề án gửi Bộ LĐ –TB&XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ Sóc Trăng trong vấn đề này....” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi cho biết: Chính phủ đã có giải pháp đầu tư hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó tập trung vùng lõi nghèo, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số.
Chia sẻ với Sóc Trăng trong công tác giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng chỉ đạo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo nghiên cứu hỗ trợ dự án giảm nghèo tạo sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, tích hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Để tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đề nghị Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng cần quan tâm hơn nữa, vào cuộc quyết liệt chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH, UBND các huyện. Những vấn đề khó, vướng, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành sẽ cùng vào cuộc giúp địa phương...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận buổi làm việc.
Hiện tỉnh Sóc Trăng có 49.355 người có công với cách mạnh, trong đó có 15.309 liệt sĩ, 6.496 thương binh, hơn 2000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn 257 Mẹ còn sống). Toàn tỉnh có 13 nghĩa trang liệt sĩ, 16 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 6 đài tưởng niệm liệt sĩ. Tỉnh đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ di dời Nghĩa trang liệt sĩ về địa điểm mới với diện tích hơn 16 héc ta, đề nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Sóc Trăng để tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn người có công với cách mạng... |