Giải quyết hồ sơ tồn đọng: Không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách
- Người có công
- 20:30 - 26/07/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng trăn trở “nếu không giải quyết đột phá hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC thì không bao giờ có thể trả lời cho người dân được”. Ngày 29/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC.
Đánh giá về hơn 1 năm thực hiện Quyết định 408, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã có cuộc trao đổi với Báo Lao động và Xã hội về công tác giải hồ sơ đề nghị xác nhận NCC tồn đọng.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang).
*Với chủ trương sớm xác nhận NCC cho những người đủ điều kiện, không để “lọt” đối tượng được thụ hưởng chính sách, ngày 29/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 408/QĐ-LĐTB&XH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả sau 1 năm thực hiện Quyết định 408 ?
Qua kết quả khảo sát thực trạng tình hình thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT/TTg, đến tháng 6/2016, cả nước có 4.141 hồ sơ đề nghị công nhận là NCC với cách mạng, đó là những hồ sơ đã được thiết lập từ những năm trước nhưng vì có những nguyên nhân cụ thể khác nhau nên chưa giải quyết được; ngoài ra còn có 8.525 bản kê khai của gia đình đề nghị công nhận là NCC với cách mạng.
Với chủ trương không để “lọt” đối tượng thụ hưởng chính sách, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng và năm 2016 đã đột phá trong việc xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Kết quả đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Từ những kết quả đạt được sau đợt thí điểm tại 5 tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, gồm 7 bước và quy định chặt chẽ hơn so với Kế hoạch triển khai thí điểm, quy định về hồ sơ tồn đọng cụ thể hơn; các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch thực hiện, Tổ công tác Trung ương cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát thẩm định hồ sơ đồng thời công khai thông tin hồ sơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, với mục tiêu hết năm 2017 giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh, thành phố trở lên.
Với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo quy trình giải quyết tồn đọng nói riêng, tính đến ngày 31/12/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 bằng Tổ quốc ghi công; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với với 1250 liệt sĩ, trong đó, dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ đã trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 498 thân nhân, gia đình liệt sĩ và dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập QĐND VN 22/12/2017 tổ chức trao 672 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình liệt sĩ. Hiện Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, dự kiến sẽ tổ chức trao hơn 400 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình liệt sĩ trong dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Rà soát lại kết quả cho thấy, tất cả các trường hợp đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đảm bảo đúng quy trình, đúng đối tượng và tiêu chuẩn, có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Tất cả các trường hợp hồ sơ không đúng đối tượng, tiêu chuẩn đều không được đề nghị công nhận và thông báo cụ thể, trực tiếp đến cho gia đình, đối tượng rõ lý do. Những trường hợp, quá trình xem xét, có những tình tiết không rõ ràng hoặc có mâu thuẫn hoặc có ý kiến phân vân, phản hồi qua công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đều được tiến hành xác minh, kết luận rõ ràng, cụ thể.
Như vậy, đến hết năm 2017, đối chiếu với Quyết định 408, đã hoàn thành mục tiêu đề ra là tập trung giải quyết cơ bản số hồ sơ NCC tồn đọng ở ngành LĐ-TB&XH, công an, quân đội từ cấp tỉnh trở lên, mang lại ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/2017 -27/7/2017) tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội nói chung và gia đình NCC nói riêng.
*Thưa thứ trưởng, việc xử lý những hồ sơ tồn đọng hàng chục năm đòi hỏi những nỗ rất lớn, vậy cơ quan chức năng đã gặp những khó khăn gì khi triển khai Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH?
Để có được kết quả như trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương cơ sở, các nhân chứng lịch sử, các bậc lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của NCC với cách mạng đã nỗ lực hết sức mình trong việc tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành lên những cơ sở nhất định trong việc họp, bàn, mổ xẻ từng chi tiết để xem xét, xác nhận đối tượng NCC với cách mạng với mục tiêu không để “lọt” người có công thật sự.
Đó là những hồ sơ tồn đọng từ khá nhiều năm, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan; có nơi như: Long An, Vĩnh Long, An Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh... phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Có trường hợp để công nhận liệt sĩ, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại nhiều quân khu, đơn vị và địa phương,...; những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận. Tất cả danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh và trung ương. Tất cả những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí, đồng thuận của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và cũng không có bất kỳ ý kiến nào khác qua niêm yết, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp. Cho đến nay, chưa có trường hợp cụ thể nào có đơn thư phản ánh, khiếu nại dưới bất cứ hình thức nào.
Thứ trưởng tặng quà gia đình người có công tại Hà Giang.
* Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương đảng đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, thời gian tới Bộ sẽ có những giải pháp như thế nào để thực hiện chỉ tiêu này thưa Thứ trưởng?
Để hoàn thành chỉ tiêu của Ban Bí thư Trung ương đảng đề ra trong Chỉ thị số 14, đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng theo quy trình tại Quyết định 408 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; đồng thời tổng kết, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng thời gian qua để nghiên cứu, rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Thứ hai, phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng. Thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi người có công sinh sống; đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác liên ngành Trung ương về giải quyết chính sách người có công; thực hiện tốt việc lập và xét duyệt hồ sơ thường xuyên theo các quy định hiện hành. Phát huy quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch và giám sát của nhân dân ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác xác nhận người có công với cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra các khâu thực thi chính sách ở từng địa phương, từng ngành về quá trình tổ chức thực hiện chính sách và hoạt động công chức, công vụ trong bộ máy nhà nước để bảo đảm các chính sách ưu đãi được thực thi đúng quy định, đầy đủ, kịp thời, minh bạch; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng mức mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, niềm tin trong nhân dân đối với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Xin cảm ơn Thứ trưởng !