Hoàn thiện Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi) trong năm 2019
- Người có công
- 01:16 - 29/12/2018
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Cục NCC (Bộ LĐ-TB&XH) diễn ra vào ngày 28/12. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Lê Tấn Dũng; Nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí - Chuyên gia cao cấp của Bộ.
4.000 người truy cập vào trang thông tin liệt sĩ trực tuyến mỗi ngày
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018, Cục trưởng Cục NCC Đào Ngọc Lợi cho biết, được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự phấn đấu của toàn thể cán bộ công chức và người lao động, năm 2018, Cục NCC đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng tặng quà Bà mẹ VNAH tại Bắc Giang.
Cục đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2018). Trong đó đã tổ chức thành công Hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu toàn quốc năm 2018 với quy mô 750 đại biểu; Tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với các gia đình liệt sĩ và ra mắt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ.
“Hiện, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 người truy cập vào trang thông tin liệt sĩ trực tuyến. Đã có 20 gia đình thân nhân liệt sĩ tìm được người thân qua Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp nhận cổng thông tin về Cục để vận hành khai thác, sử dụng” – Cục trưởng Đào Ngọc lợi cho biết thêm.
Về công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng, căn cứ quyết định số 408/QĐ-LĐTB&XH và báo cáo của các địa phương, cả nước hiện còn 3.234 trường hợp diện tồn đọng ( trong đó đề nghị xác nhận liệt sĩ là 669 trường hợp; đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là 2.565 trường hợp).
Với mục tiêu đến cuối năm 2018 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC đang lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH, Bộ chỉ huy quân sự, thành phố và công an tỉnh trở lên, các địa phương đã khẩn trương thực hiện theo quy trình đã được ban chỉ đạo các cấp ở địa phương rà soát, thẩm định. Đến nay đã công nhận được 1.250 liệt sĩ, trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, các hồ sơ cần hoàn thiện gửi về địa phương để bổ sung, hoàn thiện, những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho các đối tượng. Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp đổi lại Bằng Tổ quốc ghi công cho 16.520 trường hợp.
Để đảm bảo mục tiêu NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân cùng nơi cư trú, Cục đã tham mưu, trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Theo đó mức đề xuất để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC với cách mạng là 1.515.000 đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở NCC, cả nước có tổng số 393.707 hộ NCC cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và sửa chữa 209.012 hộ) đã được Bộ thẩm tra, tương ứng với số kinh phí cần cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng theo QĐ 22, tháng 1/2018, Bộ Tài chính đã cấp đủ 8.140 tỷ đồng cho các địa phương để hoàn thành dứt điểm hỗ trợ cho 313.707 hộ còn lại (gồm 126.733 hộ xây mới và 186.974 hộ sửa chữa).
Thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, năm 2018, Cục NCC đã lấy được 3.039 mẫu hài cốt liệt sĩ, đã phân tích mẫu của 291 mẫu trong đó có 30 trường hợp có kết quả đúng, 261 trường hợp kết quả không đúng; bằng phương pháp thực chứng được 131 liệt sĩ…
Hoàn thiện các chính sách ưu đãi NCC
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục trưởng Đào Ngọc Lợi cũng thừa nhận một số khó khăn, tồn tại trong thực hiện chính sách NCC: Do tính chất phức tạp của lĩnh vực công tác nên việc nghiên cứu, xây dựng một số văn bản, quy phạm pháp luật ban hành còn chậm, thời gian kéo dài. Thời gian chiến tranh kéo dài , còn một số trường hợp không giữ được hồ sơ, giấy tờ liên quan nên việc xác nhận để được hưởng chế độ NCC còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Công tác kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách về ưu đãi NCC còn hạn chế, chưa thực hiện được trên diện rộng và thường xuyên.
Chia sẻ những khó khăn của Cục trong công tác giải quyết đơn thư, nguyên Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí – chuyên gia cao cấp của Bộ cho rằng, Bộ cần phát huy vai trò đúng mức của các Sở. Có tình trạng, cán bộ các địa phương không nghiên cứu kỹ các văn bản chính sách về lĩnh vực NCC vì vậy khi người dân hỏi đến không trả lời được dẫn đến kiến nghị kéo dài. Nhiều việc thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết nhưng không giải quyết “đẩy” việc lên Bộ.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng thăm gia đình người có công.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác NCC. Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ TT&TT, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho ra mắt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã tạo dấu ấn tốt, được dư luận xã hội đánh giá cao. Hầu hết NCC hài lòng về cách ứng xử của cán bộ, công chức của Cục NCC. Các hoạt động chăm lo đời sông NCC được duy trì đầy đủ.
Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Cục NCC tiếp tục hoàn thiện Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi); Tập trung chỉ đạo các địa phương giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC; Tiếp tục đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng quy chế Quỹ đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chính sách NCC tại các địa phương...
“Lãnh đạo Cục cần nghiên cứu cơ chế để có chính sách động viên anh, em kịp thời. Tạo môi trường làm việc tốt để mọi người có động lực làm việc, cống hiến”- Thứ trưởng lưu ý.