CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:53

Công khai, minh bạch để loại trừ gian dối khi giải quyết hồ sơ tồn đọng

 

 

Phóng viên Báo Lao động Xã hội và Baodansinh.vn đã cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.  

Do nhiều nguyên nhân đến nay có không ít người có công vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công, công tác giải quyết tồn đọng, xác nhận người có công không còn giấy tờ được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta đã có những văn bản hướng dẫn sử dụng “nhân chứng” để xác nhận thương binh liệt sĩ không còn giấy tờ. Cụ thể là Nghị định số 899/TTg ngày 25/5/1956 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 47/TB-LS3 ngày 28/5/1956 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn giải quyết tồn đọng trên cơ sở xác nhận của hai người làm chứng. Do vậy, đến nay đại đa số những người có công với cách mạng đã được hưởng chế độ.

Việc giải quyết tồn đọng trong mấy chục năm qua với cơ chế xác nhận đơn giản hoá tối đa, được tuyên truyền, phổ biến đến cơ sở và người dân, đã nhiều lần xác định thời hạn kết thúc giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc được do vẫn còn những người tham gia kháng chiến kê khai là có công với cách mạng mà chưa được hưởng chế độ. Vì vậy, công tác giải quyết tồn đọng vẫn phải tiếp tục để người có công thực sự được thụ hưởng chế độ ưu đãi. Tuy nhiên việc này không thể thực hiện đại trà, thiếu cơ sở pháp lý như giai đoạn trước đây, nhằm hạn chế tình trạng khai man, giả mạo hồ sơ gây bức xúc trong dư luận quần chúng do quá đơn giản về điều kiện, thủ tục xác nhận.

*Trước đây nhằm tháo gỡ những vướng mắc về tồn đọng người có công, đã có nhiều văn bản được ban hành như Thông tư Liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM; Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 27/2000/TT-BLĐTBX; Văn bản số 548/CS ngày 25/8/2000 của Bộ Quốc phòng, tuy nhiên đã có nhiều trường hợp lợi dụng chính sách để khai man, gian lận hồ sơ để hưởng chế độ ?

- Đúng là như vậy, đây chính là mặt trái của giải quyết tồn đọng. Sự giả mạo là không thể tránh khỏi, bởi ta không thể trông chờ vào sự trung thực một cách hoàn toàn của từng cá nhân, hiện tượng này đã được dự lường từ trước. Đỉnh điểm là giai đoạn thực hiện các văn bản: Thông tư Liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM; Thông tư số 27/1999/TT-BLĐTBXH; Văn bản số 548/CS ngày 25/8/2000 của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng). Đặc biệt là Thông tư Liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM đã bị các đối tượng lợi dụng để làm giả hồ sơ một cách nghiêm trọng bới điều kiện để xác nhận thương binh, liệt sĩ là quá dễ, đối tượng đã sử dụng “kỷ niệm chương” thanh niên xung phong được cấp đại trà giai đoạn 1999 -2000 để làm chứng cho nhau và cùng hưởng chế độ. Điển hình là vụ làm giả hồ sơ thanh niên xung phong tại Ninh Bình với trên 500 hồ sơ giả đã được truy tố và xét xử năm 2004.

Gần đây các vụ án làm giả hồ sơ tại Quân khu I, Quân khu 2 và những vụ án phải di chuyển đến cơ quan điều tra để khởi tố tại một số địa phương như Bắc Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đăk Lăk, Đăk Nông, Tuyên Quang, Yên Bái…cho thấy tình trạng giả mạo hồ sơ có những diễn biến nghiêm trọng, đây luôn là những khó khăn, thách thức lớn nhất trong công tác giải quyết tồn đọng người có công.

 

 

*Năm 2013, Bộ LĐ – TB&XH và Bộ Quốc phòng đã ban hành  Thông tư Liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP về việc hướng dẫn xác nhận thương binh, liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh nhưng không còn giấy tờ. Việc triển khai Thông tư 28 hiện nay ra sao,  thưa ông?

- Thông tư liên tịch số 28/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ đã được triển khai thực hiện 3 năm. Nội dung của Thông tư khá chặt chẽ và điểm khác biệt lớn nhất là không sử dụng cơ chế “người làm chứng” để xác nhận thương binh, liệt sĩ nhằm hạn chế tình trạng khai man, giả mạo hồ sơ. Đặc biệt là việc xác nhận thương binh chủ yếu dựa trên căn cứ thực tiễn như: có tham gia cách mạng, có vết thương thực thể hoặc còn mảnh kim khí trong cơ thể; đồng thời có sự tham gia rộng rãi của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong quá trình xác lập hồ sơ, đề cao tính công khai, minh bạch và coi đây là tiêu chí quan trọng nhất để loại trừ sự gian dối khi kê khai hưởng chế độ.

Như vậy, cùng với Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ xác nhận người có công thì Thông tư liên tịch số 28/2013 đã mở ra thêm một kênh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có công được hưởng chế độ ưu đãi. Đến nay đã xác nhận được hàng trăm liệt sĩ và thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

* Theo báo cáo của cơ quan chức năng, số hồ sơ kê khai xác nhận người có công còn tồn đọng ở các địa phương là 63.543 trường hợp, với 4,19% người có công hưởng chưa đầy đủ và 0,09% đối tượng hưởng sai chính sách người có công. Vậy Cục đã tham mưu cho Bộ những giải pháp như thế nào để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồng đọng liên quan đến thực hiện chính sách người có công?

- Để giải quyết dứt điểm những hồ sơ người có công tồn đọng, Cục Người có công và Cục Chính sách, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham mưu, trình hai Bộ (Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng) ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận thương binh, liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh nhưng không còn giấy tờ.

Đối với những trường hợp đã thiết lập hồ sơ mà không đủ điều kiện giải quyết theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP: Trên cơ sở kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản số 3417/LĐTBXH-NCC ngày 7/9/2016, trong đó giao Cục Người có công ban hành Kế hoạch thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại một số địa phương. Hiện nay, Cục Người có công đã ban hành văn bản số 1996/NCC-CS1 ngày 7/9/2016 triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Cạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và T.p Đà Nẵng. Dự kiến cuối năm 2016 sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và triển khai trên diện rộng vào năm 2017.

 

 

*Với hướng giải quyết như vậy thì khả năng những người được hưởng chính sách sẽ tăng lên. Trong thời gian tới, để đảm bảo đời sống người có công ngày càng tốt hơn cần có những điều chỉnh chính sách như thế nào thưa ông?

Trong thời gian tới, hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Tiếp tục thực hiện giải quyết chế độ trợ cấp đối với người có công và thân nhân của họ, đặc biệt Cục Người có công sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nâng mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn – đáp nghĩa”, hỗ trợ người có công và thân nhân của họ, nhất là đối với những người, gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thân người có công. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng để đảm bảo người có công được hưởng chính sách ưu đãi kịp thời, đầy đủ. 

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN SÍU (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh