THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:32

Nhiều kiến nghị của cử tri còn tồn đọng, chưa được giải quyết

 

Theo báo cáo, từ kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong công tác lập pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật "khung," luật "ống", đồng thời, tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm đảm bảo luật đi vào cuộc sống.

Trong hoạt động giám sát, Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã lựa chọn và tiến hành giám sát chuyên đề về một số lĩnh vực mà cử tri có nhiều kiến nghị.

Nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế​-xã hội đã được Quốc hội xem xét, phân tích thẳng thắn, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết tốt hơn những yêu cầu, kiến nghị của cử tri.

Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn 129 kiến nghị cử tri còn tồn đọng, đang được xem xét, nghiên cứu để giải quyết, tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: nông nghiệp, nông thôn; an sinh xã hội; y tế; giáo dục; văn hóa... thuộc thẩm quyền tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết của Chính phủ và các bộ, ngành.

 

Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo trước UBTVQH về việc giải quyết kiến nghị của cử tri

 

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, một số bộ, ngành tránh việc, để tồn đọng kiến nghị cử tri nên chỉ quan tâm đến việc trả lời cử tri mà chưa chú trọng đến việc xử lý, giải quyết các kiến nghị cử tri, đặc biệt là việc phải ban hành mới, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật. Nhiều kiến nghị của cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, nhưng nội dung trả lời các kiến nghị này lại chưa thật sự rõ ràng, thiếu lộ trình cụ thể hoặc chỉ viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật đã cũ, không còn phù hợp nên không giải quyết được vấn đề, chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của cử tri.

“Có những kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ cần phải tổ chức thanh tra, kiểm tra để đi đến kết luận, xử lý trách nhiệm, từ đó mới có căn cứ để trả lời cử tri, tuy nhiên, trên thực tế, một số bộ, ngành chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra để kết luận đã ban hành văn bản trả lời cử tri” – bà Hải nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, có những văn bản không trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị của cử tri mà lại trả lời chung chung, trả lời không đúng kiến nghị cần giải quyết, không đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết. Vì vậy, cử tri lại tiếp tục có kiến nghị như: nội dung trả lời của Bộ KH-ĐT về bố trí vốn từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để tiếp tục thực hiện các dự án bị đình hoãn còn dang dở; trả lời của Bộ Công Thương về quản lý thị trường, phòng chống hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại; về trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng khu gang thép Thái Nguyên; trả lời của Bộ Y tế về nội dung quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; trả lời của Bộ NN-PTNT về xử lý vi phạm về phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; trả lời của Bộ TN-MT về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá, sỏi...

 

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh thảo luận tại phiên họp

 

Báo cáo giám sát cũng đánh giá, việc ban hành văn bản trả lời kiến nghị cử tri là trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành, tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng ở một số bộ, ngành lại giao cho cấp phó trả lời là chưa thể hiện hết trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri và nhân dân cả nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, cần coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri làm tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trưởng, trưởng ngành khi lấy tín nhiệm trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức thuộc các ngành, lĩnh vực trong trường hợp không giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, để cử tri kiến nghị qua nhiều kỳ họp.

Báo cáo giám sát cũng đề nghị các bộ, ngành cơ quan ngang bộ cần tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, nghiên cứu để giải quyết các kiến nghị tại các kỳ họp trước đã được xác định là đang giải quyết. Đồng thời, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp thứ 9, thứ 10, trong đó đặc biệt quan tâm tới bốn vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm đó là: Tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; Vấn đề vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; Vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; vấn đề quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép...

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh