Thí điểm giải quyết tồn đọng người có công tại 5 tỉnh
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 02:11 - 28/09/2016
Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước ta; những năm qua hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống. Tuyệt đại bộ phận người có công với cách mạng đã được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định.
Tuy nhiên theo báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước vẫn còn tồn đọng một số lượng khá lớn hồ sơ đề nghị người có công với cách mạng chưa được giải quyết; một bộ phận người có công chưa được hưởng chính sách là điều day dứt với các cấp, các ngành và xã hội.
Với chủ trương chung của Bộ LĐ-TB&XH là quyết liệt tập trung tháo gỡ nhằm thực hiện mục tiêu tất cả người có công với cách mạng được công nhận và được hưởng ưu đãi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Song đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, cần phải được xem xét, giải quyết một cách thận trọng theo một quy trình chặt chẽ, thấu tình đạt lý, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, đầy đủ trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương.
Sau khi trao đổi, Bộ LĐ-TB&XH thống nhất chọn 5 tỉnh, thành phố, bao gồm các tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Long An và TP.Đà Nẵng làm thí điểm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng qua đó rút kinh nghiệm, làm cơ sở nhân ra diện rộng. Bộ LĐ-TB&XH sẽ thành lập tổ công tác liên ngành do một đồng chí Thứ trưởng làm tổ trưởng để làm việc trực tiếp với các địa phương. Đồng thời giao Cục Người có công xây dựng Kế hoạch hướng dẫn việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố.
Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong việc phối hợp giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng đang tồn đọng, chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào Kế hoạch hướng dẫn việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố của Cục Người có công để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình thực tế của đại phương; đề cao đúng mức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, nhân dân và các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tham gia giám sát, hạn chế tối đa những sai sót, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng.