Thái Bình: Quyết liệt thực hiện giải quyết tồn đọng người có công
- Người có công
- 12:46 - 11/11/2016
Chủ động triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng
Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, với truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước tỉnh Thái Bình đã có trên 40 vạn người tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Khi chiến tranh kết thúc, Thái Bình có trên 51.000 liệt sĩ, 33.000 thương binh, bệnh binh, gần 2,9 vạn người mang di chứng chất độc hóa học trong chiến tranh...
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trong hai năm 2014 - 2015, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trên địa bàn tỉnh. Kết quả tổng rà soát cho thấy, toàn tỉnh có 100.666 đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chế độ, chính sách, chiếm tỷ lệ 98,37%; 292 trường hợp hưởng chưa đầy đủ chế độ, chính sách, chiếm tỷ lệ 0,28%; 1.342 trường hợp đề nghị xác nhận NCC, chiếm tỷ lệ 1,31%; có 30 trường hợp hưởng sai chế độ, chính sách, chiếm tỷ lệ 0,029%. Sau khi có kết quả rà soát, Sở LĐ- TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét, giải quyết những vấn đề tồn đọng, trong đó riêng số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng là 626 trường hợp. Trước số hồ sơ người có công còn tồn đọng nhiều, Thái Bình được Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) chọn là địa phương triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho biết, để giải quyết cơ bản số hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng trên, ngày 6/10, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 67/KH – UBND về việc Giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người công còn tồn đọng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 2806/QĐ –UBND thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công còn tồn đọng và công văn số 3849/UBND –KGVX về việc tập trung giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng còn tồn đọng.Trên cơ Kế hoạch và Quyết định của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản 1312/SLĐTBXH-NCC gửi đến các ngành thành viên Ban chỉ đạo cử lãnh đạo và cán bộ chuyên môn tham gia Ban chỉ đạo và tổ giúp việc ban chỉ đạo (gọi tắt là Tổ xác minh).
Công khai, minh bạch tại cấp cơ sở
Ông Bái cho biết thêm, thực hiện chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH và Kế hoạch của UBND tỉnh về việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng. Đến nay, tất cả 8/8 huyện, thành phố của tỉnh đã họp với lãnh đạo huyện và cán bộ ngành LĐ-TB&XH, Mặt trận Tổ quốc… triển khai kế hoạch của tỉnh. Các huyện đã tập hợp hồ sơ, phân tích, xem xét các hồ sơ, yêu cầu cán bộ UBND xã cùng với thân nhân đối tượng người có công xem xét bổ sung thêm giấy tờ cần thiết vào hồ sơ.
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn huyện Hưng Hà để giải quyết thí điểm hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và chọn huyện Quỳnh Phụ để giải quyết thí điểm hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh. Đến nay, Sở đã tiếp nhận 47 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ của 18 xã, thị trấn và 305 trường hợp có tên trong danh sách liệt sĩ của huyện, xã đề nghị cấp giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công và tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh 24 trường hợp, thuộc Đại đội dân quân tập trung C60. Các hồ sơ đã trải qua quá trình phân tích đánh giá, công khai, minh bạch, khách quan từ các cấp cơ sở xã, phường, thị trấn. Từng bộ hồ sơ đã được Tổ xác minh tổ chức họp công khai lấy ý kiến Hội Người cao tuổi, các lão thành cách mạng, Hội Cựu chiến binh, những người làm chứng xem xét, phân tích và cho ý kiến với từng trường hợp sau đó được đối chiếu với lịch sử đảng bộ địa phương. Sau khi phân tích, đánh giá, tất cả danh sách đối tượng được công khai niêm yết nhiều ngày tại nhà văn hoá các thôn và công khai trên hệ thống tuyên truyền xã như loa truyền thanh. Nếu không có ý kiến kiến nghị, 100% ý kiến người dân đồng thuận mới được chuyển lên Sở phân tích xem xét và trình Ban Chỉ đạo xác nhận người có công với cách mạng xem xét việc giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Ông Thái Đức Thắng, Trưởng Ban Chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện thông tư 28/2013/TTLT – BLĐTBXH –BQP về việc hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ và thông tư 202/2013/TT-BQP về việc hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận, tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Thái Bình đã thực hiện giải quyết chế độ cho 130 thương binh và thân nhân 28 liệt sĩ. Hiện còn tồn đọng 565 hồ sơ chưa được giải quyết chế độ ( trong đó có 129 hồ sơ phải đi giám định lại; 232 hồ sơ đã được chuyển lên Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng); số còn lại bổ sung giấy tờ).
Theo ông Thắng, hiện nay công tác xác nhận người có công rất khó khăn bởi chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, trong khi đó hầu hết số hồ sơ còn tồn đọng không còn giấy tờ gốc, bản thân đối tượng không lưu giữ, cơ quan đơn vị cũng không còn bởi do bối cảnh chiến tranh và thời gian quá lâu. Những yếu tố này ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình xác nhận người có công cho các đối tượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh nhấn mạnh: Giải quyết hồ sơ tồn đọng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, vì vậy việc giải quyết phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, thận trọng, bám sát, vận dung linh hoạt các văn bản của Đảng, Nhà nước, hạn chế tối đa những sai sót, không để xảy ra tiêu cực. Trong quá trình giải quyết phải bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát. Khi lấy ý kiến trong việc đề nghị xác nhận đối tượng đảm bảo công tâm, khách quan, đúng đối tượng, được nhân dân địa phương ủng hộ; kịp thời phát hiện sai sót, có biện pháp xử lý tránh để xảy ra tiêu cực.