Bất bình đẳng giới ngay tại Hollywood
- Dược liệu
- 13:03 - 20/05/2015
“Đã từ lâu rồi, họ luôn nghĩ rằng điều duy nhất khiến chúng tôi thích thú là những bộ phim hài lãng mạn” Hayek lên tiếng. Nữ diễn viên chính của bộ phim “Tale of Tales” tham dự LHP lần thứ 68 tiếp tục chia sẻ: “Họ không nghĩ chúng tôi có thể kiếm được tiền. Thật thiếu hiểu biết làm sao!”
Salma Hayek lên tiếng vì sự công bằng dành cho phụ nữ.
Tham gia cuộc đối thoại về sự bất bình đẳng giới tại Hollywood còn có nữ diễn viên Parker Posey (phim “Irrational Man) và Aishwarya Rai Bachchan (phim “Jazbaa”), cũng như nhà sản xuất Christine Vachon và Elizabeth Karlsen (hợp tác trong “Carol”). Sự kiện được tổ chức bởi chiến dịch HeForShe của Liên hợp quốc.
Mặc dù đóng vai chính trong hàng loạt các bộ phim ăn khách bao gồm “The Hunger Games”, “Frozen” và “The Fault in Our Stars”, đại diện phái đẹp chỉ đạo diễn 17 trong tổng số 250 bộ phim ăn khách nhất năm ngoái. Hơn nữa, chỉ một số ít các nữ đạo diễn hạng A được trả lương bằng những nam đạo diễn cùng đẳng cấp. “Thể loại duy nhất mà phụ nữ sản xuất nhiều hơn nam giới thuộc về nền công nghiệp khiêu dâm,” Hayek châm biếm, “đó đơn giản là do thiếu hiểu biết”.
Aishwarya Rai, cựu Hoa hậu thế giới năm 1994 cũng cho rằng kể cả ở thị trường quốc tế, việc một người phụ nữ tham gia làm phim cũng là trường hợp đặc biệt: “Có vẻ ở đâu cũng vậy. Lúc nào cũng là câu chuyện định kiến”.
Các nữ diễn viên và nhà sản xuất tham gia buổi tọa đàm.
Posey chia sẻ rằng cô rất thích xem những bộ phim từ những năm 40 trên kênh Turner Classic Movies, khi những nhân vật nữ được khắc họa sắc sảo và đa dạng. “Bây giờ thì điều đó rất hiếm”, Posey nói “Chúng ta đang trong thời đại nam quyền. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến. Văn hóa đang áp bức tự nhiên”. Hayek tâm sự rằng cô đã mất nhiều cơ hội diễn xuất vì các nam diễn viên hạng A được chấp nhận những yêu cầu cao hơn cô, trong khi các nữ diễn viên hàng đầu Hollywood không bao giờ có được các cam kết tương đương. Người đẹp gốc Mễ châm biếm rằng các nhà làm phim đã mắc chứng hay quên khi nói đến những bộ phim thành công nhờ phụ nữ. “Họ không biết những gì chúng tôi muốn” cô phát biểu “Khi phụ nữ không đạo diễn, không viết kịch bản và được nói những câu chuyện của mình, chúng tôi sẽ ngừng diễn và xem bọn họ sẽ làm trò gì trên tivi”.
Vachon cho rằng so với màn ảnh rộng thì màn ảnh nhỏ ưu ái phụ nữ hơn “Tôi nghĩ thế vì trên sóng vô tuyến, ít nhất là tại Mỹ, những câu chuyện nhạy cảm hơn đã được phát sóng. Các nhân vật định hướng câu chuyện mà khá đông trong số đó là phụ nữ được khắc họa ngày càng nhiều”.
Nhà sản xuất phim Karlsen nhấn mạnh về những thành công mà “Carol” đem lại. “Carol” kể một câu chuyện tình hồi thập niên 50 về hai người phụ nữ đồng tính, đạo diễn bởi Todd Haynes, diễn xuất bởi ngôi sao vừa đạt Oscar năm 2013 Cate Blanchett và Rooney Mara. Bộ phim được ra mắt vào đêm chủ nhật vừa rồi trong khuôn khổ LHP Cannes. “Chắc chắn nó sẽ đặt ra một dấu hỏi lớn” Karlsen khẳng định “Đó là bộ phim nữ quyền. Đó là câu chuyện lãng mạn giữa 2 người phụ nữ. Đó là làn sóng mới mà chúng ta đều mong đợi”.
Hayek tuyên bố rằng phụ nữ tại Hollywood không thể tiếp tục cho phép bản thân chỉ là người đứng bên lề “Nhìn xem, chúng ta không thể đứng như những nạn nhân và than thở rằng không ai quan tâm tới mình” cô nhấn mạnh. Nhưng cô cũng lưu ý rằng Hollywood chỉ quan tâm tới doanh thu và phụ nữ - những người khiến 50% vé được tiêu thụ - cần tiếp tục khẳng định sức mạnh của mình qua những con số thực dụng.
“Điều khiến tôi hy vọng chính là chúng ta đang tràn đầy sinh lực,” Hayek khẳng định cuối buổi hội đàm.
Bất bình đẳng giới tính không chỉ là vấn đề nóng hàng đầu tại các quốc gia kém phát triển, mà ngay tại Hollywood, thủ phủ của điện ảnh thế giới, đây cũng là một vấn đề ngày càng được quan tâm. Theo thống kê của Đại học Nam California qua 500 bộ phim, chỉ có 28,5% nhân vật có lời thoại, 4,1% đạo diễn,12,2% biên kịch và 20% nhà sản xuất là phụ nữ. Trong top 10 diễn viên có thu nhập cao nhất, 9/10 vị trí đầu tiên thuộc về nam giới, chỉ duy nhất Angelina Jolie đứng thứ 10 với thu nhập 33 triệu đô trong năm 2012.