THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:26

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý là yếu tố then chốt

Ông Hứa Ngọc Thuận, PCT UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về BĐG

Trong những năm gần đây, việc tăng cường tỷ lệ nữ trong nghị viện nói riêng và trong lĩnh vực chính trị nói chung được nhiều quốc gia quan tâm và xem như một tiêu chí để đánh giá và so sánh mức độ bình đẳng giới giữa các quốc gia. Xác định bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Việt Nam luôn quan tâm tới việc thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 là 24,4% (cao thứ 2 trong khu vực và thứ 43 trên thế giới). Tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 25,2%; cấp huyện là 24,6%; cấp xã là 21,7%.

TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hội thi nhằm tuyên truyền về BĐG đến các nhóm đối tượng

Là đô thị đặc biệt, đông dân nhất nước, những chính sách của TP. Hồ Chí Minh có sự ảnh hưởng rất lớn đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và trong cả nước, xác định tầm quan trọng của công tác BĐG trong sự phát triển kinh tế - xã hội những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã có nhiều đổi mới trong nhận thức về công tác cán bộ nữ, quan tâm chỉ đạo mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ và đã đạt được những kết quả tích cực. Bản thân phụ nữ đã tự trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và tự tin khẳng định năng lực bản thân trong công tác.

Tạo được sự chuyển biến trên là do UBND TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều biện pháp để thúc đẩy các mục tiêu, chỉ tiêu chương trình chiến lược quốc gia về BĐG trên địa bàn, trong đó trọng tâm là chỉ đạo các ngành, các cấp đổi mới phương thức truyền thông tới từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức hướng đến thay đổi hành vi về bình đẳng giới thông qua nhiều hình thức tổ chức linh hoạt theo 4 cụm thi đua như: Hội thi sáng tác các sản phẩm truyền thông; Hội thi tuyên truyền viên giỏi; Hội thảo chuyên đề... đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới của các giới và cộng đồng dân cư. Chẳng hạn, tại cụm thi đua số 3, gồm UBND quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân và Thủ Đức đã tổ chức 21 buổi hội thảo với chủ đề: “Vấn đề bình đẳng giới trong lao động và việc làm”; “Mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và cơ quan/tổ chức”; “Vai trò của nam, nữ tri thức đối với vấn đề bình đẳng giới trong gia đình giai đoạn hiện nay”... đã thu hút được 1.029 người (595 nữ giới, chiếm 57,8% và 434 nam, chiếm 42,2%) là các chuyên gia về giới, về pháp luật đến từ các trường ĐH, Học viện; lãnh đạo và cán bộ các Sở, ban, ngành, đoàn thể, quận huyện... Song song đó, với vai trò là cơ quan được giao quản lý nhà nước về BĐG, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp cùng các Sở, ban, ngành như: Sở Y tế, Liên đoàn lao động và Hội liên hiệp phụ nữ thành phố... tổ chức gần 2.000 cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước với công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước với hàng nghìn người tham dự. Chính vì vậy, tính đến hết tháng 11/ 2014, toàn thành phố có 15.181/24.913 tổ trưởng phụ nữ tham gia vào ban điều hành tổ dân phố, tổ nhân dân (chiếm tỷ lệ 60,93% tăng 2,07% so với cùng kỳ năm 2013).

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, TP.HCM đang quyết liệt thực hiện mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, xem đây là một chỉ tiêu quan trọng và bắt buộc nhưng không vì thế mà đi chệch mục tiêu BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ. Để thực hiện chỉ tiêu thành phố đã tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch, nữ đại biểu HĐND đương nhiệm, nữ dự kiến tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới thành phố đã biên soạn, in ấn 4.000 tờ rơi với chủ đề “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”; 10.000 tờ rơi với chủ đề “Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và những lợi ích” - mục đích nhằm chuyển tải thông tin đến đội ngũ cán bộ và người dân hiểu rõ việc thúc đẩy tỷ lệ nữ trong lĩnh vực chính trị xã hội mang lại lợi ích cho gia đình, bản thân và góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia tiến bộ, văn minh; 650 cuốn “Tài liệu tập huấn kiến thức, kỹ năng về giới cho cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo” – mục đích quan trọng của tài liệu tập huấn là giúp giảng viên, báo cáo viên và cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý hiểu được tầm quan trọng tăng tỷ lệ nữ tham chính và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và gia đình... Ngoài ra Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới cấp quận huyện đã thực hiện truyền thông qua Pano, áp phích biểu ngữ tuyên truyền  về bình đẳng giới ở những khu vực, tuyến đường đông dân cư... góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vị trí vai trò của nam, nữ trong gia đình và xã hội.

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, trong nhiệm kỳ 2016-2020 phấn đấu tỷ lệ nữ của thành phố tham gia các cấp ủy Đảng từ 30% trở lên, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trên 35% và phát triển đảng viên nữ đạt tỷ lệ 40% trở lên trên tổng số đảng viên mới kết nạp vào năm 2015. Đến hết năm 2015 đạt 85% và năm 2020 đạt 100% sở, ban, ngành UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ và tỷ lệ cán bộ công chức nữ được đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ tin học trong và ngoài nước đạt 45% trở lên so với tổng cán bộ, công chức được đào tạo.

“Bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là nhân tố góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Tại hội thảo với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ trong lĩnh vực chính trị” vừa mới diễn ra ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh: Hiện nay, phụ nữ đang có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên toàn thế giới. Đóng góp của chị em vào quá trình phát triển đã được khẳng định ngày càng rõ với những kết quả nổi bật. Phụ nữ đã dần tự chủ hơn về kinh tế, trong lĩnh vực chính trị tiếng nói của họ ngày càng được lắng nghe nhiều hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi tham gia vào đời sống chính trị chủ yếu do các định kiến và quan niệm văn hóa đã từ lâu đời liên quan đến vai trò của phụ nữ, mà trong đó trách nhiệm gia đình vẫn được coi là yếu tố cản trở nhiều nhất đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua.

Chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được thể hiện xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà tiêu biểu là Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, trong đó đã xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35-40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Lê Hoàng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh