Thúc đẩy an sinh xã hội, đảm bảo bình đẳng giới
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:12 - 22/04/2015
Phụ nữ và trẻ em gái được thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, an sinh xã hội là hệ thống chính sách xã hội cơ bản của mỗi quốc gia. Tổ chức thực hiện tốt hệ thống chính sách này có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xây dựng một xã hội văn minh và hiện đại.
Bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Mặc dù có nhiều biến động về kinh tế trong nước và quốc tế, nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác chăm lo việc làm và an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển xã hội ngang tầm và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế. Hệ thống chính sách lao động - việc làm và an sinh xã hội Việt Nam đã được hình thành và phát triển từ nhiều thập kỷ, ngày càng nhiều nhóm đối tượng được tham gia và hưởng lợi từ các chính sách này, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Kỳ họp thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa 11 đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Tiếp đó, ngày 1/11/2012 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về Kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Hai Nghị quyết quan trọng này, một lần nữa đã thể hiện rõ nét sự quan tâm, cam kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam về an sinh xã hội cho người dân, cho phụ nữ và trẻ em gái.
Bên cạnh việc chăm lo phát triển an sinh xã hội, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới thúc đẩy bình đẳng giới. Trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách quan trọng về bình đẳng được ban hành và triển khai trong thực tế như Luật Bình đẳng giới (2006), Luật về Phòng chống bạo lực gia đình (2007), Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015… Các chính sách này đã tạo ra khung khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội nói riêng.
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, trong thời gian qua các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển đã quan tâm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp Việt Nam phát triển hệ thống an sinh xã hội quốc gia, hỗ trợ các nhóm yếu thế, phụ nữ và trẻ em gái tham gia và thụ hưởng các chính sách và phúc lợi xã hội.
Đại biểu phát biểu ý kiến
Phụ nữ tại khu vực phi chính thức gặp nhiều rào cản
Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn còn bất cập, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, nhiều chính sách của ta vẫn còn bất cập, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Cụ thể, đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện nước ta có khoảng 11 triệu người đóng BHXH, trong đó 98% thuộc khu vực lao động chính thức. Trong khi đó phụ nữ chiếm tới hơn 60% trong khu vực lao động này. Như vậy có thể suy ra là phụ nữ thuộc đối tượng này được đóng BHXH không nhiều vì hiện chưa đến 1% lao động phi chính thức tham gia. Do đó sự tham gia của phụ nữ vào an sinh xã hội đang bị chậm trễ.
“Bản thân chính sách của chúng ta cũng khiến phụ nữ bị thiệt thòi. Theo thiết kế chính sách của BHXH bắt buộc, phụ nữ được hưởng 5 chế độ, còn đối với BHXH tự nguyện chỉ quy định 2 chế độ dài hạn đó là hưu trí và tử tuất; còn 3 chế độ ngắn hạn rất quan trọng đối với lao động nói chung, phụ nữ nói riêng là thai sản, ốm đau, tai nạn lao động thì họ không được hưởng. Chính vì vậy, đây là rào cản của chính sách đối với phụ nữ”- GS.TS Nguyễn Thị Lan Hương chỉ ra.
Còn nhiều rào cản với phụ nữ làm việc tại các khu vực phi chính thức
Trong thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động mạnh đến nông nghiệp và thủy sản, những ngành này lại là một trong những nguồn sinh kế chính của phụ nữ, vì vậy, việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hôi cho phụ nữ và trẻ em gái đang rất cần được chú trọng.
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cũng khẳng định: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, tuy nhiên định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động. Rất nhiều phụ nữ bị trả công rẻ mạt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận vào hệ thống an sinh xã hội.
Bà Shoko Ishikawa khuyến nghị, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới. Những nhu cầu, mong muốn, trách nhiệm và khác biệt về vai trò giới phải được xem xét kỹ càng khi xây dựng các chương trình và chính sách về an sinh xã hội.