THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:55

Thúc đẩy truyền thông bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

 

Tham dự buổi hội thảo có các lãnh đạo và ban biên tập của các cơ quan truyền thông, báo chí tại Trung ương và một số địa phương; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, đại diện một số tổ chức phi chính phủ, chuyên gia giới, chuyên gia truyền thông.

Tại hội thảo, các đại biểu và các cơ quan báo chí, truyền thông được nghe báo cáo về công tác cán bộ nữ, các báo cáo nghiên cứu  "Phụ nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị: niềm tin và sự lựa chọn của người dân"; Giải pháp truyền thông bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; tìm hiểu về kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; cùng tham gia thảo luận, trao đổi về các vấn đề liên quan.

Hội thảo cung cấp những thông tin cập nhật về thực trạng công tác bình đẳng giới tại Việt Nam; tìm giải pháp để thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra trong nhiệm kỳ mới là "Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị."

Bên cạnh đó, năm 2015-2016 sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị và vấn đề cần đặc biệt quan tâm để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW và Luật Bình đẳng giới đã đề ra.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích tình hình đại biểu nữ tham gia các cơ quan dân cử, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng, lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ trong thời gian qua. Theo đó, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là 8,6%; nữ ủy viên Bộ Chính trị có hai người, chiếm 14,2%; một Bí thư Trung ương Đảng, chiếm 10%.

Ở địa phương, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2011-2015 cấp tỉnh là 11,3%; tỷ lệ nữ tham gia ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở cả ba cấp đều thấp, khoảng 10% hoặc dưới 10%.

Tại các cơ quan dân cử, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII chỉ đạt 24,4%. Cấp huyện có 8/53 tỉnh,thành phố (trừ 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện) có tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện từ 30% trở lên; 37/53 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện từ 20-30%.

 

Trong các cơ quan hành pháp, chức danh Bộ trưởng có 2/22 người (chiếm 9,1%), Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có 1/8 người. 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ chủ chốt là nữ.

Tỷ lệ nữ Chủ tịch ủy ban nhân dân đạt 4,3%, Phó Chủ tịch đạt 12,7%, Trưởng ban ngành, mặt trận, đoàn thể đạt 19,3%...

Nguyên nhân sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn thấp là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu một số cấp ủy đảng, chính quyền về bình đẳng giới, về công tác cán bộ nữ, công tác phụ nữ chưa cao.

Định kiến giới vẫn còn tồn tại ở một số cấp lãnh đạo chính quyền và trong nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác cán bộ, đặc biệt là công tác cán bộ nữ còn chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả...

Các đại biểu kiến nghị trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng; xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học nữ, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ trong các cấp, các ngành theo từng lĩnh vực, địa phương; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành một số biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh