Bình đẳng giới – Một trong những ưu tiên hàng đầu của IPU -132
- Tây Y
- 14:58 - 31/03/2015
Trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra từ ngày 28/3 – 1/4 tại Hà Nội, một trong những ưu tiên hàng đầu là vấn đề bình đẳng giới. Là nước chủ nhà, Việt Nam giành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các nội dung và mục đích hành động của IPU, trong đó có việc thúc đẩy vai trò, quyền của phụ nữ. Việt Nam cũng là quốc gia cơ bản hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.
Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị
Chủ tịch IPU, ông Saber Chowdhury khẳng định, năm nay kỷ niệm 30 năm Hội nghị nữ Nghị sĩ và IPU-132 là cơ hội để đưa ra những sáng kiến, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị. Theo Chủ tịch IPU, bình đẳng giới là vấn đề quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của IPU-132.
Ông Saber Chowdhury cho biết: “Chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa phụ nữ tham gia vào Chính phủ, giới lãnh đạo. Bình đẳng giới vẫn là một thách thức lớn và IPU sẽ đẩy mạnh nữa với các mục tiêu để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia thúc đẩy sự phát triển”.
Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam
Tổng Thư ký IPU Martin Chungong chia sẻ: IPU đang thúc đẩy bình đẳng giới và nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị. Trước đây, tỷ lệ nữ nghị sỹ là 11%, bây giờ là 22%. Có thể nói đã có tiến triển nhưng vẫn chưa đạt mức mong muốn. Do đó cần phải tìm cách trao quyền cho phụ nữ nhiều hơn.
Trong nhiều lĩnh vực, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng, cần hỗ trợ chị em nhiều hơn nữa trong những mục tiêu phát triển bền vững. Tuyên bố Hà Nội tại IPU-132 tới đây hi vọng là bàn đạp, là bước tiến vững chắc cho những mục tiêu cao hơn của IPU, trong đó có bình đẳng giới.
“Tôi rất ấn tượng với tỷ lệ 25% phụ nữ là đại biểu Quốc hội của Việt Nam và con số này sẽ được Việt Nam cam kết nâng hơn 30% trong những năm tới” – ông Martin Chungong nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Việt Nam rất coi trọng bình đẳng giới, hướng tới sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Luật pháp Việt Nam luôn bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái (về nhân quyền, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình…), chống lại những biểu hiện xấu liên quan đến phụ nữ. Trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam rất coi trọng điều này.
“Cùng với việc nâng cao đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình, xã hội, năng lực trình độ của phụ nữ ngày càng được nâng cao hơn. Riêng Quốc hội Việt Nam, dự kiến nhiệm kỳ tới phấn đấu 30% đại biểu là nữ” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dẫn lời của Chủ tịch Hồ CHí Minh, Chủ tịch Quốc hội, nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi rất chăm lo đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người cho rằng, làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới”.
IPU-132 góp phần nâng cao vị thế phụ nữ Việt Nam
Tháng 5/2008, Quốc hội khóa XII đánh dấu sự ra đời của Nhóm nữ đại biểu Quốc hội do bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng Nhóm. Đây là tổ chức đầu tiên của các nữ đại biểu Quốc hội, trong đó mục tiêu lớn nhất là hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
Qua 2 nhiệm kỳ hoạt động, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tạo diễn đàn để các nữ đại biểu có cơ hội trao đổi thông tin, phân tích chính sách, tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới… Nhờ đó, các chính sách được ban hành đã cân nhắc nhiều hơn từ góc độ bình đẳng giới như quy định tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng, quy định lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con…
Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khu vực và trên thế giới về bình đẳng giới như Hội nghị hàng năm của nữ nghị sĩ AIPA - diễn đàn chung của nữ đại biểu Quốc hội ASEAN; Hội nghị nữ nghị sĩ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới hàng năm…
Hiện Việt Nam là một trong 5 nước đang phát triển ở châu Á có tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội cao nhất. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Điều đó cho thấy, Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới.
Tham gia IPU-132, nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đến các chính sách thu hẹp khoảng cách về giới, hướng đến bình đẳng thực chất, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ. Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến bình đẳng giới như: Hiến pháp (2013); Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2007); Luật Bình đẳng giới (2006); Bộ luật Dân sự (2005); Luật Hôn nhân và gia đình (2014); Luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004)… Việt Nam đã tham gia Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW) năm 1982 và một quốc gia thành viên tham gia vào nhiều văn kiện khác về quyền con người. Là một quốc gia thành viên trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đồng thuận với nhiều tuyên bố và nghị quyết có liên quan về đối phó với các hành vi bạo lực đối với phụ nữ, gồm: Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (1993), Tuyên bố Bắc Kinh và Kế hoạch hành động (1994), Kết luận đã nhất trí của Phiên họp thứ 57 Ủy ban về địa vị phụ nữ (CSW57)… |