THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:04

Báo chí và doanh nghiệp XKLĐ cùng đồng hành vì lợi ích người lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp dự và phát biểu chỉ đạo.

Quang cảnh Hội thảo

Trong lời đề dẫn, quyền Tổng biên tập báo Lao động & Xã hội Nguyễn Trung Chính nhấn mạnh: “Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong gần 30 năm qua mặc dù có những giai đoạn phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc do những tác động cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng vẫn duy trì được nhịp độ phát triển đều đặn, với số người được đưa đi hàng năm từ con số vài chục ngàn lên mức ổn định trên 120.000 như vài năm gần đây. Hiệu quả của chương trình XKLĐ không chỉ được đo, đếm bằng hàng tỷ USD mà người lao động từ hàng chục thị trường ngoài nước gửi về hàng năm, mà còn được thể hiện ở những vùng quê với hệ thống hạ tầng, nhà cửa khang trang, ở lực lượng nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.


Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo

 

“Đồng hành cùng hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ trong hàng chục năm qua là đội ngũ phóng viên của các cơ quan báo chí, truyền thông. Có thể nói, đề tài về hoạt động XKLĐ là một trong những tuyến đề tài “nóng” trên nhiều mặt báo – không chỉ biểu dương những doanh nghiệp làm ăn tốt, những cách làm hay, mà còn góp phần phát hiện không ít biểu hiện tiêu cực của một số nhân viên doanh nghiệp và đặc biệt là các đường dây cò mồi, các thành phần lừa đảo, gây thiệt hại cho người lao động”, ông Nguyễn Trung Chính nhận xét.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá cao nỗ lực của báo Lao động & Xã hội đã tổ chức Hội thảo để kết nối, củng cố mối quan hệ giữa các cơ quan truyền thông, báo chí với hệ thống doanh nghiệp XKLĐ. Thứ trưởng cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, các doanh nghiệp XKLĐ đã phải cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngày càng tự hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng hoạt động. Thứ trưởng cho rằng, mối quan hệ mật thiết giữa cơ quan báo chí, truyền thông với các doanh nghiệp XKLĐ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ hỗ trợ hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng diễn ra thuận lợi, tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định của Nhà nước, đảm bảo hiệu quả và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước, mà còn góp phần củng cố niềm tin của xã hội, của người lao động đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hơp đồng.

Ông Nguyễn Trung Chính, Q.Tổng biên tập báo Lao động & Xã hội/báo điện tử Dân sinh chia sẻ tại Hội thảo


Thứ trưởng cũng nhìn nhận một thực tế, là trong thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nghiệp XKLĐ vững mạnh, nhưng bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn có tâm, có đạo đức, có trách nhiệm cao với người lao động, thì vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm, đặt nặng yếu tố lợi nhuận mà xem nhẹ quyền lợi của người lao động. Để phát huy những điểm sáng, hạn chế những mặt tiêu cực, hệ thống báo chí, truyền thông cần sát cánh với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, làm sao để người lao động ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin chính thống, chính xác về tình hình thị trường lao động, việc làm ngoài nước, đồng thời dư luận xã hội cũng hiểu đúng hơn về những đóng góp của hoạt động XKLĐ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nhiều doanh nghiệp đã trình bày tham luận, nêu bật tầm quan trọng trong việc phối hợp với hệ thống báo chí, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động XKLĐ. Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty Esuhai cho biết: “Quan điểm của Esuhai đối với công tác truyền thông từ trước đến nay là luôn chủ trương và mong muốn cung cấp thông tin có tính thời sự, đi vào thực chất và đề cao những giá trị tích cực có lợi cho người lao động, góp phần xây dựng cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài phát triển theo chiều hướng tích cực”.

Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Inseco trình bày tham luận

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc công ty Esuhai trình bày tham luận

 

Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco) nhấn mạnh: “Báo chí có thể tham vấn, định hướng người lao động tìm được công việc theo mong muốn; biết cách lựa chọn việc làm nào cho người lao động phù hợp với năng lực, sức khỏe, trình độ của mình; cảnh báo kịp thời thị trường lao động giả, các công ty không có chức năng XKLĐ, lừa đảo, các tổ chức buôn người...”.

 

Nhà báo Phong Điền, báo Pháp luật TP.HCM, trình bày tham luận về xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động XKLĐ

Ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhận lực LOD, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam nhận định: “Vai trò của báo chí trong thông tin, tuyên truyền về hoạt động XKLĐ là vô cùng quan trọng, để người lao động có cơ sở lựa chọn những doanh nghiệp thật sự uy tín, đồng thời cũng hỗ trợ doanh nghiệp chấn chỉnh, sửa đổi những hạn chế, yếu kém của mình”.

Cũng tại Hội thảo, các nhà báo Duy Quốc (báo Người Lao động), Hồ Văn (báo điện tử Dân Việt), Phong Điền (báo Pháp luật TP.HCM) đã trình bày các tham luận, chỉ ra những hạn chế trong phối hợp, chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp XKLĐ với cơ quan báo chí, truyền thông; cung cấp những kinh nghiệm rút tỉa từ quá trình tác nghiệp với mong muốn các doanh nghiệp XKLĐ thực hiện cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác; những kinh nghiệm về xử lý, giải quyết khủng hoảng truyền thông…

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, phát biểu kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá cuộc Hội thảo có ý nghĩa rất bổ ích, không chỉ giúp doanh nghiệp XKLĐ với các cơ quan báo chí kết nối, thiết lập mối quan hệ mật thiết, mà còn gợi mở ra những hướng đi mới nhằm tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ với các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm thông tin, phản ánh các vấn đề trong hoạt động XKLĐ một cách trung thực, đầy đủ và nhanh chóng. Ông hy vọng rằng, sau cuộc hội thảo này, các doanh nghiệp XKLĐ sẽ có những kế hoạch thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa tác dụng của công tác truyền thông, còn các cơ quan báo chí sẽ có những loạt bài hay, chính xác và sống động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động XKLĐ phát triển nhanh chóng và lành mạnh hơn trong thời gian tới.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh