Chấn chỉnh, giám sát chặt doanh nghiệp xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 22:13 - 05/06/2018
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo lao động xuất khẩu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã được cụ thể bằng luật pháp. Trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho thanh niên, chúng ta từng đặt ra mục tiêu sẽ có 1 triệu thanh niên, người lao động được đi lao động học tập tại nước ngoài.
“Đến nay, chúng ta có khoảng 500.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Số lượng này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017, chúng ta đưa được 134.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Điều qua trọng là một số thị trường tiềm năng trước đây khó khăn như Hàn Quốc cũng đã nối lại được. Gần đây, lần đầu tiên chúng ta ký với một quốc gia về quan hệ lao động với Nhật Bản Bình quân thu nhập mỗi năm thu về từ các lao động ở nước ngoài là xấp xỉ 3 tỷ USD. Tỉnh Nghệ An mỗi năm số tiền từ lao động nước ngoài gửi về là 250 triệu USD/ năm”- Bộ trưởng thông tin.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, công tác xuất khẩu lao động còn những bất cập như tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số thị trường.
“Đúng như đại biểu nói một số thị trường tiềm năng tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không chịu về nước rất cao, đặc biệt là Hàn Quốc có lúc lên đến 50%. Vì lý do này, Hàn Quốc đã không ký lại bản ghi nhớ về việc tiếp nhận lao động Việt Nam trong 4 năm. Những người trốn thường là lao động tay nghề cao, họ trốn ra ngoài làm lương cao và trốn được thuế, bên cạnh cũng có nguyên nhân là do các chủ doanh nghiệp của bạn cũng có nhu cầu . Sau 3 năm kiên trì triển khai rất nhiều biện pháp, đặc biệt năm 2017 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phu, đồng thời, chúng tôi cũng đã làm việc với phía bạn đề nghị bạn kiên quyết với các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, chúng ta đã rút xuống còn 33%. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vừa qua, chính phía bạn cũng đề nghị ta ký lại bản ghi nhớ này. Chúng tôi tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động, giảm tình trạng lao động trốn việc ở nước ngoài”.- Bộ trưởng cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Trong thời gian qua, nhiều văn phòng xuất khẩu trái phép, đăng tin lừa đảo trên mạng, khiến nhiều người lao đao. Xin Bộ trưởng cho biết thời gian tới có những giải pháp gì?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đưa người đi lao động nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên Bộ cũng rất thận trọng. Tình trạng cò mồi, môi giới, thu phí, trốn tránh trách nhiệm cũng có và Bộ cũng đã chấn chỉnh việc này. Thủ tướng cũng đã có 2 văn bản, giao trách nhiệm cho từng Bộ ngành, một là chấn chỉnh sai phạm trong nước, thứ hai là giải quyết những bất cập.
Riêng về lĩnh vực xử lý và ngăn chặn, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH cùng với Chính phủ tổ chức đối thoại 282 doanh nghiệp, những gì khó khăn vướng mắc tháo gỡ, chấn chỉnh, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp khi đi tuyển dụng lao động ở địa phương thì phải thông báo công khai về nhu cầu về mức thu, lệ phí thu khi người lao động tiếp cận thị trường. Bộ cũng công khai phí môi giới bao nhiêu, lệ phí bao nhiêu, người lao động phải đóng góp bao nhiêu, riêng hai chương trình EPS và IMM Japan thì những chương trình không thu phí, phi lợi nhuận.
“Thời gian qua, chúng ta xử phạt cũng nhiều. Bộ đã thanh tra 51 doanh nghiệp phát hiện 338 sai phạm, đã thu hồi giấy phép hoạt động của 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp có cả bề dày XKLĐ 25 năm nhưng lần đầu đầu tiên bị đình chỉ và thu hồi giấy phép, Chúng tôi giải quyết trên cơ sở đúng nguyên tắc thấu tình đạt lý. Thời gian tới sẽ tiếp tục chấn chỉnh, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với địa phương, giám sát kỹ các doanh nghiệp trong quá trình thu phí, công khai minh bạch, phối hợp phía bạn, cần thiết sẽ tạm dừng và thu hồi giấy phép với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh