Xuất khẩu lao động Hàn Quốc: “Rào cản” từ lao động cư trú bất hợp pháp
- Bài thuốc hay
- 22:45 - 08/07/2018
Tỷ lệ cư trú bất hợp pháp giảm, cơ hội của người lao động sẽ tăng
Trong đợt kỳ thi tiếng Hàn dành cho lao động ngành sản xuất chế tạo vừa được tổ chức mới đây, đã có 11.617 thí sinh đăng ký tham gia và chỉ tiêu tuyển chọn là 6.300 lao động. Sau đợt thi này, sẽ còn một đợt thi tiếng Hàn dành cho lao động ngành ngư nghiệp sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 24/8. Tổng chỉ tiêu tuyển chọn trong năm 2018 là 7900 lao động sang Hàn Quốc làm việc.
Tuy nhiên, rất nhiều người lao động cư trú dài hạn tại 49 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ( Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, TP Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ) đã không được không được tuyển chọn theo Chương trình EPS năm 2018. Nguyên nhân nhân là bởi các địa phương này có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% và có số lượng người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Ngoài ra, căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2019 tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp.
Nhận định về lao động Việt Nam, ông Kim Do Hyon- Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá, lao động Việt Nam có tay nghề và cần cù, chăm chỉ khi làm việc, vì vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất ưa thích tuyển dụng. Hiện mỗi năm, Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận khoảng 60.000-70.000 lao động nước ngoài đến làm việc. Phía Hàn Quốc sẽ phân bổ số lượng căn cứ vào tỉ lệ lao động tuân thủ pháp luật, cam kết hợp đồng. Tỉ lệ lao động chấp hành pháp luật và cam kết hết hạn hợp đồng về nước càng cao thì số lượng lao động được Hàn Quốc tiếp nhận càng lớn. Đối với lao động Việt Nam, do có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp lớn nên ảnh hưởng đến việc tuyển chọn lao động tiếp tục sang đây làm việc.
Lao động Việt Nam chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc
Để mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, phía Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp hạn chế tình trạng trên. Thời gian qua, song song với biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn về nước đúng thời hạn, phía Việt Nam đã rất nỗ lực hỗ trợ lao động sau khi về nước, làm thủ tục, hỗ trợ người lao động quay trở lại Hàn làm việc lần thứ 2; tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương ở các doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam với mức lương cao… Tuy nhiên, ở đây cần hợp tác chủ sử dụng lao động Hàn Quốc không sử dụng lao động bất hợp pháp để giảm số lượng lao động này xuống. Từ đó, mới mở ra cơ hội làm việc tại Hàn Quốc cho những người lao động khác.
Lao động thời vụ: Các địa phương cần lưu ý điều kiện cung ứng, tiếp nhận người lao động
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, hiện nay phía Hàn Quốc có nhu cầu lao động thời vụ và một số địa phương của hai nước có nhu cầu trao đổi hợp tác. Lao động đi theo chương trình thời vụ thì chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian làm việc thường là 3 tháng.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, hướng dẫn việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.Theo đó, lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định và ký thỏa thuận về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính và Bộ LĐ-TB&XH
Việc lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh được quyết định và ký thỏa thuận này thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ về việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 2 năm.Theo hướng dẫn, sau khi ký kết thỏa thuận, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận đã được ký kết. Căn cứ phạm vi thực hiện, cơ quan cấp tỉnh có thể giao cơ quan cấp huyện hoặc tổ chức sự nghiệp tại địa phương thực hiện việc phái cử lao động theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, khi ký thỏa thuận, các địa phương cần lưu ý điều kiện cung ứng, tiếp nhận người lao động bao gồm: Số lượng lao động sẽ phái cử/tiếp nhận, tiêu chuẩn tuyển chọn, ngành, nghề, công việc phải làm; địa điểm làm việc, thời hạn làm việc; điều kiện, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn và bảo hộ lao động; tiền lương và tiền làm thêm giờ; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt; chế độ bảo hiểm, khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm chi trả phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại; điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí đưa lao động về nước và các điều kiện liên quan khác.
Ngoài ra, thỏa thuận phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết trong việc tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, bổ túc tay nghề và đào tạo tiếng Hàn cho người lao động trước khi xuất cảnh.