THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:42

Xuất khẩu lao động: thị trường Nhật Bản tăng trưởng vượt bậc với 54,5 nghìn lao động

Đây là số liệu được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo đến các ĐBQH về các vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ này tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Giải quyết việc làm cho trên 1.633 nghìn người 

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên. 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

 

Tính chung trong năm 2017, cả nước đã giải quyết việc làm cho trên 1.633 nghìn người, đạt 102,1% kế hoạch, trong đó tạo việc làm trong nước cho 1.505 nghìn người, đạt 100,7% kế hoạch. Chất lượng việc làm dần được cải thiện, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Quý I năm 2018, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,1 triệu người, tăng 586,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,7 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 37,4 triệu người, chiếm 67,8%.

Về xuất khẩu lao động: Theo số liệu thống kê, năm 2017 cả nước đưa đi được gần 135 nghìn lao động, vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7%  so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016.

“Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54,5 nghìn  lao động. Các thị trường khác, cụ thể: Đài Loan gần 67 nghìn lao động, Hàn Quốc: 5 nghìn lao động; Ả rập - Xê út gần 4 nghìn lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Để phát triển thị trường xuất khẩu lao động, Bộ trưởng cho biết, đàm phán và ký kết các Thỏa thuận hợp tác lao động với những nước chưa ký Hiệp định/Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với Việt Nam…

GDNN: Tỷ lệ có việc làm trung bình đạt 80,5% 

Theo báo cáo, đến tháng 3/2018 có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bước đầu có một số trường được đầu tư bởi các DN tư nhân lớn có bước tiến về chất lượng như Cao đẳng Y Dược Phú Thọ, CĐ Asean, CĐ FLC, CĐ Việt Mỹ, CĐ FPT...quy mô của những trường này tuyển sinh lớn hơn so với đa số trường công lập.  

“Sắp tới, Bộ hỗ trợ các tập đoàn Vingroup, Sungroup, Mường Thanh,... thành lập một số trường cao đẳng chất lượng cao; và thu hút một số trường quốc tế”, Bộ trưởng thông tin.

Đáng chú ý, tuyển sinh 2017 là 2.204.400 người, vượt 100,2% so với kế hoạch. “Xu hướng tích cực là người học lựa chọn chương trình phù hợp thay vì bằng cấp. Kết quả phân luồng vào trung cấp có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ có việc làm trung bình đạt 80,5%; một số trường đạt trên 90%, có trường đạt 100%; lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm đạt 80,2%”, Báo cáo nêu.

Tỷ lệ có việc làm trung bình đạt 80,5%; một số trường đạt trên 90%, có trường đạt 100%

 

Bộ trưởng cho hay, đến nay đã lựa chọn 45 trường để hỗ trợ đầu tư tập trung đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao đến năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận.

Nhìn nhận hạn chế và nguyên nhân trong lĩnh vực GDNN, Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, mạng lưới cơ sở GDNN vẫn còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo; quy mô đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn nhỏ…

Cùng với đó, nhận thức của nhiều cấp uỷ, chính quyền, cơ sở GDNN, doanh nghiệp và cộng đồng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN, đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; tư tưởng coi trọng bằng cấp còn phổ biến trong xã hội. Tư duy bao cấp còn nặng nề đối với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn còn chờ đợi tuyển dụng, tự đào tạo hơn là chủ động tìm đến hợp tác với các trường và ngược lại. Còn thiếu nhiều cơ chế chính sách cho đội ngũ nhà giáo, người học nghề, người tốt nghiệp học nghề, cơ sở GDNN, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Ngân sách nhà nước đầu tư cho GDNN những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫnchưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ đề ra; nhiều địa phương chưa ưu tiên đầu tư cho phát triển GDNN.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp, trong đó 3 nhóm giải pháp đột phá là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. 

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho trẻ em

Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em là vấn đề nằm trong nhóm nội dung được chọn để chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Báo cáo vấn đề này, Bộ trưởng cho biết hiện toàn quốc có gần 26 triệu trẻ em, trong đó 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 87% số này được trợ giúp.
Bộ trưởng nhận định, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp.

Theo báo cáo của Bộ Công an, thống kê 5 tháng đầu năm 2018 toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.

Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội. Cùng với đó, môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em, tỷ suất trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích còn cao, đặc biệt là tử vong do đuối nước.

Nhìn nhận hạn chế và nguyên nhân trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, báo cáo nêu: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em còn chưa thực sự đầy đủ; công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân chưa sâu rộng. Công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tương xứng với điều kiện, tiềm lực của địa phương…

Vẫn theo Bộ trưởng thì luật quy định bố trí và vận động nguồn lực đản bảo thực hiện quyền trẻ em... nhưng nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em…

Nêu nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến trẻ em.

Đẩy mạnh công tác liên ngành về thực hiện quyền trẻ em thông qua hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em và hướng dẫn địa phương củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên cơ sở kiện toàn hệ thống đã có. Xây dựng, phát triển Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và mạng lưới kết nối.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng cho biết, sẽ tăng cường đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình về trẻ em, đặc biệt là Luật trẻ em để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp, đặc biệt về phòng ngừa trẻ em tử vong do đuối nước; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho trẻ em bao gồm cả ngân sách Trung ương, địa phương và vận động xã hội để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Thanh Nhung - Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh