Xuất khẩu lao động: Phát triển thị trường song song với phòng ngừa tiêu cực
- Bài thuốc hay
- 01:50 - 27/06/2018
5 tháng: Hơn 48.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2017 cả nước đưa đi được gần 135.000 lao động (trong đó lao động nữ chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2016. Đây là năm thứ 4 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Đặc biệt, thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.500 lao động.
Các thị trường khác, cụ thể: Đài Loan gần 67.000 lao động, Hàn Quốc: 5.000 lao động; Ả rập - Xê út gần 4.000 lao động.
Năm 2018, Cục được giao chỉ tiêu đưa 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 5 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 48.000 lao động (40% là lao động nữ), đạt 44% kế hoạch năm. Trong đó thị trường Đài Loan khoảng gần 25.000 lao động, Nhật Bản hơn 17.000 lao động, Hàn Quốc gần 2.700 lao động, Ả rập - Xê út hơn 850 lao động.
Về tình hình lao động tại một số thị trường, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Tại Đài Loan, hiện có 207.000 lao động Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 16 triệu đồng/người/tháng; tại Nhật Bản có 100.000 lao động Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 26 triệu đồng/người/tháng; tại Hàn Quốc có 49.000 lao động Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 26 triệu đồng/người/tháng; tại Malaysia có 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 10 triệu đồng/người/tháng; tại Ả rập - Xê út có khoảng 9.000 lao động Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.
Để duy trì và phát triển thêm các thị trường lao động ngoài nước, hiện Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thị trường, ký kết các bản ghi nhớ về hợp tác lao động.
Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế; đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với những nước chưa ký Hiệp định/Bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Việt Nam; hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường; phối hợp với các hiệp hội nghề trong nước và hiệp hội nghề của nước tiếp nhận để tìm hiểu nhu cầu tiếp nhận lao động người nước ngoài trong các lĩnh vực mới, đặc biệt là các ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam; kịp thời thông tin chính thức về các chính sách liên quan đến tiếp nhận lao động.
Đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh của lao động Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác đang triển khai tốt và được các cơ quan truyền thông, dân chúng nước sở tại quan tâm và đánh giá cao, như chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản; điều dưỡng viên Việt Nam đi học tập và làm việc tại CHLB Đức…
Giảm tỷ lệ LĐ bỏ trốn, xử lý kịp thời sai phạm của doanh nghiệp
Tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã được cụ thể bằng luật pháp. Trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho thanh niên, chúng ta từng đặt ra mục tiêu sẽ có 1 triệu thanh niên, người lao động được đi lao động học tập tại nước ngoài. Chúng ta có khoảng 500.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Số lượng này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017, chúng ta đưa được 134.000 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 128% kế hoạch đề ra. Điều quan trọng là một số thị trường tiềm năng trước đây khó khăn như Hàn Quốc cũng đã nối lại được. Gần đây, lần đầu tiên chúng ta ký với một quốc gia về quan hệ lao động với Nhật Bản. Bình quân thu nhập mỗi năm thu về từ các lao động ở nước ngoài xấp xỉ 3 tỷ USD. Tỉnh Nghệ An mỗi năm số tiền từ lao động nước ngoài gửi về là 250 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý những bất cập trong công tác XKLĐ như: Tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số thị trường hay những vi phạm của doanh nghiệp như tình trạng cò mồi, môi giới, lạm thu phí, trốn tránh trách nhiệm.
“Trước đây, một số thị trường tiềm năng tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không chịu về nước rất cao, đặc biệt là Hàn Quốc có lúc lên đến 50%. Vì lý do này, Hàn Quốc đã không ký lại bản ghi nhớ về việc tiếp nhận lao động Việt Nam trong 4 năm. Sau 3 năm kiên trì triển khai rất nhiều biện pháp, đặc biệt năm 2017 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ bỏ trốn ở thị trường Hàn Quốc đã giảm xuống còn 33%. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc vừa qua, phía bạn cũng đề nghị ta ký lại bản ghi nhớ này”, Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, Bộ LĐ-TB&XH luôn tạo điều kiện tối đa cho người lao động được đi lao động và làm việc ở nước ngoài, cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể hoạt động trong khung khổ pháp luật, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các thị trường và đưa được nhiều người lao động đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ chấn chỉnh, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với địa phương, giám sát kỹ các doanh nghiệp trong quá trình thu phí, công khai minh bạch, phối hợp phía bạn, cần thiết sẽ tạm dừng và thu hồi giấy phép với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Giờ thực hành của điều dưỡng viên Việt Nam
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện công tác cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các doanh nghiệp đã và đang được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo chỉ có các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (về vốn, nhân sự, cơ sở vật chất) mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Tính đến 29/5/2018 có 328 doanh nghiệp được cấp giấy phép. Các doanh nghiệp đa phần có trụ sở chính tại Hà Nội (chiếm khoảng 60%), tại TP. Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 20%) và 20% là doanh nghiệp có trụ sở chính tại các địa phương khác.
Để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, Bộ thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ, đặc biệt tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp không đảm bảo duy trì điều kiện tối thiểu để được hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, những doanh nghiệp vi phạm đến mức phải xử lý thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật. Trong 2 năm 2016, 2017, Bộ đã tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi xuất cảnh với hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu hồi giấy phép của 6 doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động của 5 doanh nghiệp, xử phạt 31 doanh nghiệp. Tổng số tiền phạt từ năm 2016 đến hết năm 2017 gần 4 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ đã tiến hành thanh tra 5 doanh nghiệp, tổng số tiền xử phạt là 490 triệu đồng.
Để ngăn chặn tình trạng cò mồi, môi giới và những vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến việc lạm thu phí, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài (phí môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ). Thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng được Bộ thẩm định cũng đã được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nhằm giữ vững thị trường truyền thống và chủ chốt (Nhật Bản, Đài Loan) cũng như thị trường đang tiếp nhận lao động giúp việc gia đình (Ả rập -Xê út), Bộ cũng đã xây dựng các điều kiện để bảo đảm chỉ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới tham gia cung ứng lao động sang các thị trường này.