Tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong công tác xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 18:17 - 05/07/2018
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì buổi làm việc.
Theo Báo cáo kết quả công tác xuất khẩu lao động, với chỉ tiêu đưa 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 60.806 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 21.900 lao động nữ), đạt 55,1% kế hoạch năm 2018, bằng 106% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường chính mà lao động Việt Nam hướng tới là: Đài Loan (với 30.882 người, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên 213.000 lao động, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng); Nhật Bản (hiện có 126.000 lao động), Hàn Quốc (38.000 lao động, với mức thu nhập khoảng 26 triệu đồng/tháng), Ả rập Xê út (9.000 lao động, mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng)…
Trong 6 tháng, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành thanh tra tại 7 doanh nghiệp, trong đó thanh tra đột xuất 1 doanh nghiệp. Qua thanh tra, tham mưu giúp Bộ ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với tổng số tiền là 550 triệu đồng và thu hồi giấy phép của 1 doanh nghiệp. Cục đã xây dựng kế hoạch và thành lập hội đồng thanh tra để thực hiện thanh tra định kỳ tại 30 doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại cuộc họp vơi lãnh đạo chủ chốt Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ hoàn thiện và trình Bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động như: Hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nươc ngoài theo hợp đồng; trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều luật Luật sửa đổi Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1465/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; trình Chính phủ ban hành Quyết định về tín dụng ưu đãi đối với người lao động tại huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước…
Bổ sung làm rõ những kết quả về công tác xuất khẩu lao động trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng, kiêm Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Doãn Mậu Diệp cho rằng: Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ song công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn chưa giảm, nhất là tại thị trường Hàn Quốc do phía bạn chưa có những biện pháp xử lý quyết liệt đối với những doanh nghiệp tiếp nhận lao động bỏ trốn...
“Để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đưa được 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Nhật Bản về Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về các điều kiện đối với các doanh nghiệp tham gia phái cử thực tập sinh hộ lý của Nhật Bản…”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Kết quả công tác xuất khẩu đạt khá tốt, nhưng nhìn từ bức tranh tổng thể việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chúng ta dễ dàng nhận thấy tại sao xã hội vẫn chưa bằng lòng, bức xúc, chưa tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác này. Hiện công tác xuất khẩu lao động được rất nhiều Bộ, ngành, địa phương và người dân quan tâm. Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 khóa XIV, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng nhiều vấn đề, trong đó có công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động. Mới đây, dư luận xã hội rất quan tâm về cuộc thi tiếng Hàn, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm tới vấn đề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực điều dưỡng viên... Với con số 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017, một con số kỷ lục từ trước tới nay và để phát huy kết quả này, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể, đoàn kết, thống nhất để tháo gỡ những “điểm nghẽn” về công tác này, tạo sự đồng tình, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào cuộc…
Đến nay, cả nước có 335 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có: 14 doanh nghiệp Nhà nước, 256 công ty cổ phần, 65 công ty TNHH; các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở: Hà Nội (chiếm 60%), TP. Hồ Chí Minh (20%) và 20% tại các địa phương khác. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trình Bộ cấp mới 20 giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện Cục đã nhận hồ sơ đề nghị đổi giấy phép của gần 80 doanh nghiệp. Qua theo dõi, quy mô và trách nhiệm hoạt động của các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, một số doanh nghiệp đưa được trên 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. |