THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:52

40 năm âm vang những bản hùng ca biên giới

Ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do" được sáng tác trong đêm

Trong số những ca khúc đầu tiên được sáng tác trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc phải nhắc đến "Chiến đấu vì độc lập tự do" được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ngay trong đêm 17/2/1979 - khi cuộc chiến đấu ác liệt nổ ra ở biên giới phía Bắc.

40 năm âm vang những bản hùng ca biên giới - Ảnh 1.

Bản nhạc ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do".

Theo lời kể của Nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông thuộc thế hệ đi qua 3 cuộc chiến tranh. Ông hát bài "Chiến thắng Điện Biên Phủ" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc mới ngoài 20 tuổi. Nhưng đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã có nhiều kinh nghiệm sáng tác và đến năm 1972, ông viết bài "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không". Và sau đó, ông viết tiếp bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Khi đó, ông nghĩ rằng: "Chiến tranh kết thúc rồi, giờ là lúc mình bắt tay vào viết các bài hát về hòa bình và xây dựng đất nước".

Vậy nhưng, rạng sáng 17/2/1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên khi ấy đang phụ trách âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam đã lặng người khi nghe Đài phát đi thông tin quân của Trung Quốc đã tràn qua biên giới phía Bắc nước ta. Ngay trong đêm hôm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do" với suy nghĩ ghi lại cảm xúc không chỉ của riêng mình mà của mọi người dân Việt Nam, mở đầu bằng câu hát: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới...".

Theo nhạc sĩ, thật ra tên bài hát chính thức là "Chiến đấu vì độc lập tự do" nhưng không hiểu sao cho đến nay, bài hát vẫn được nhắc đến với cái tên "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới". Có lẽ vì nhiều người đã lấy luôn câu mở đầu để nhớ về bài hát.

40 năm âm vang những bản hùng ca biên giới - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - người đã sáng tác nhiều ca khúc về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngay ngày 20/2/1979, ca khúc đã được dàn hợp xướng của Đài đưa lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày 9/3/1979, ca khúc được đăng trên báo Nhân dân; tháng 4/1979 được Quân nhạc biểu diễn; tháng 5/1979 được dạy trên Đài Phát thanh và nhanh chóng phổ biến khắp cả nước"... Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca! Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương!".

Ông kể, lúc bài hát lần đầu được phát đi trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nhận được điện từ các chiến sĩ Quân khu 5 và Tây Nguyên nói rằng: "Nghe xong ca khúc, chúng tôi chỉ muốn đi lên biên giới góp máu xương của mình để bảo vệ mảnh đất biên cương của Tổ quốc". Lúc đó ông cảm nhận rõ câu nói mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nói với mình: "Ông Tuyên ơi, hãy nhớ trong chiến đấu thì âm nhạc là một vũ khí đấy!". Nếu biết sử dụng thì nó mang sức mạnh cụ thể. Nên hơn ai hết, tôi rất xúc động và hạnh phúc khi cảm nhận được sức mạnh của âm nhạc. Phải sống trong những giây phút như thế mới hiểu được sức mạnh của âm nhạc, thấy đó là sợi dây kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh lớn lao. Sức mạnh của âm nhạc nhiều khi không lường được hết".

Ngoài ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do", nhạc sĩ Phạm Tuyên còn viết nhiều ca khúc khác trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc như: "Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh" viết về người liệt sĩ đầu tiên ngã xuống khi quân xâm lược bành trướng tiến qua biên giới; "Có một đóa Hồng Chiêm" viết về nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh ở biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh; "Tiếng đàn bên bờ sông biên giới" viết về tiểu đội tự vệ khu phố Lào Cai ở chốt bên bờ sông Nậm Thi... Đặc biệt, ca khúc "Tiễn thầy giáo đi bộ đội" được ông viết tặng người thầy của con gái mình khi thầy rời bục giảng, khoác ba lô lên đường, với những câu hát bình dị nhưng vô cùng xúc động.

Các sáng tác là nhân chứng sống của lịch sử

Cũng trong giai đoạn lịch sử này, nhiều nhạc sĩ đã bám sát diễn biến hiện thực của cuộc chiến tranh biên giới để phản ánh qua các ca khúc như: "Hát mãi khúc quân hành" của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, thay lời người chiến sĩ bộc bạch một chân lý đơn giản về khát vọng yêu hòa bình nhưng cũng là lời lý giải cho tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam khi buộc phải cầm súng để bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc: "Dù rằng đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng/ Ta yêu sao làng quê non nước mình/ Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca"… Và "khúc quân hành ca" ấy được ca vang "triền miên qua tháng ngày/ Lượn bay trên núi rừng biên cương đến nơi đảo xa".

"Hát về anh" của nhạc sĩ Thế Hiển lại khắc họa những người chiến sĩ trẻ trên tuyến đầu biên giới đầy gian khổ, khó khăn nhưng vẫn không hề thoái chí, nản lòng: "Rừng âm u mây núi mênh mông/ Ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy/ Rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt/ Nặng tình non sông, anh dâng trọn tuổi đời thanh xuân"...

40 năm âm vang những bản hùng ca biên giới - Ảnh 4.

Cuộc sống bình yên nơi địa đầu Tổ quốc Hà Giang.

Ca khúc "Những đôi mắt mang hình viên đạn" của nhạc sĩ Trần Tiến khắc họa sự ly tán, hậu quả của chiến tranh qua nỗi ám ảnh của đôi mắt tin yêu mà hậu phương gửi trao cho người chiến sĩ tuyến đầu với lời nhắn hãy đánh tan quân xâm lược: "Đoàn quân vội đi; đi về biên giới/ Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ/ Đoàn quân lặng im, nhìn đàn em bé/ Từng đôi mắt đen xoe tròn/ Từng đôi mắt mang hình viên đạn/ Từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn/ Từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân/ Người chiến sĩ hãy giữ lấy/ Trút lên quân xâm lược dã man".

Và không thể không nhắc tới bản hùng ca "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận" (1979) của nhạc sĩ Hồng Đăng, hừng hực khí thế cả nước lên đường chiến đấu, một lần nữa: "Một dải non sông tha thiết yêu thương/ Một tiếng nói chung chỉ một con đường/ Lịch sử gọi ta xông lên phía trước/ Sẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước…". Còn với Nhạc sĩ Trần Chung khi bắt gặp bài thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn (dân tộc Dáy) đăng trên báo Nhân Dân đã viết nên bài hát "Chiều biên giới" với một vẻ đẹp thanh bình: "Em ơi! Có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới? Khi mùa đào hoa nở/ Khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây/Muôn tỏa ngát hương bay/ Chiều biên giới em ơi! Nhớ bao điều thân thương/ Đôi ta cùng chiến hào/ Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta".

Ngoài ra, nhiều bài hát đã tập trung ca ngợi người chiến sĩ nơi tuyến đầu cùng ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Bài hát "Lên núi" của các nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Thịnh khắc họa: "Đài quan sát như cô đảo/ Giữa biển sương mênh mông..." nhưng khí thế quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ rất mạnh mẽ: "Với trận đầu đánh thắng ngay/ Mới thực là, là lính biên cương...".

Đã 40 năm trôi qua, nhiều câu chuyện đã thuộc về lịch sử nhưng âm hưởng của các bản hùng ca bảo vệ biên giới năm xưa vẫn mãi đi cùng năm tháng, trong mỗi bước đi lên của đất nước hôm nay. Dòng "nhạc biên giới" có thể xem như một cách ghi lại lịch sử giữ gìn biên cương Tổ quốc bằng âm nhạc.

PHƯƠNG ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh