CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:00

Chiến tranh biên giới 1979 trong ký ức của nhạc sĩ Phạm Tuyên

 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên. 

 

Tháng 2/1979 khi dân tộc Việt Nam vừa được sống trong hoà bình, tự do mới chỉ gần 4 năm thì tiếng súng của quân xâm lược nổ ra ở biên giới phía Bắc gây bao đau thương, mất mát khiến cho bầu trời hoà bình như "phủ đầy mây xám". Dân tộc Việt Nam lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến đấu mới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ nền độc lập, tự do. 

Âm nhạc lại phát huy sức mạnh lớn lao của mình bằng những giai điệu hào sảng, tha thiết, thúc giục người người cầm súng chiến đấu. Là một trong những tác giả của những ca khúc mang tính thời sự, gắn với nhiều dấu mốc lịch sử của dân tộc, trong ký ức của nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc khi ông bắt tay vào viết ca khúc "Chiến đấu vì độc lập, tự do" từng được hát vang trên mọi trận tuyến của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. 

PV: Thưa nhạc sĩ, là một trong những nhạc sĩ có sáng tác sớm nhất về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, những ngày tháng là thời khắc không thể nào quên phải không ạ?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Sau năm 1975, đất nước chúng ta vừa hoàn toàn thống nhất, nhân dân ta được sống trong hoà bình. Chúng ta đang trong công cuộc khắc phục thiệt hại nặng nề do chiến tranh gây ra và dựng xây đất nước. Là thế hệ trải qua hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, sau khi sáng tác bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, tôi nghĩ rằng mình sẽ chỉ viết những bài ca về lao động sản xuất, hăng say xây dựng đất nước của dân tộc. 

Thế nhưng, chưa được bao lâu thì đến cuối năm 1977 - 1978, quan hệ của nước ta và láng giềng Trung Quốc trở nên căng thẳng. Lúc đó tôi được Bộ Tư lệnh Biên phòng mời đi khắp các tỉnh biên giới và tôi có ghi lại một số ca khúc về người chiến sĩ nơi đây nhưng tôi không thể ngờ rằng tình hình biên giới sẽ diễn biến phức tạp như thế. 

Vào đêm 17/2/1979, khi nghe tin Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc, tôi nhận thấy đây là cuộc chiến tranh rõ ràng, không còn chỉ là những xung đột nhỏ lẻ. Khi nghĩ về đất nước vừa trải qua bao nhiêu vết thương, lại phải gồng mình trước cuộc chiến tranh mới, lòng tôi trào dâng những cảm xúc khó tả, thôi thúc tôi đặt bút viết bài hát “Chiến đấu vì độc lập, tự do” với tinh thần khái quát mục đích của cuộc chiến tranh cùng mong muốn như là tiếng chuông cảnh tỉnh, báo cho mọi người biết về cuộc chiến tranh và hãy đứng lên bảo vệ biên cương Tổ quốc: “Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người. Độc lập - Tự do!”. Cho đến bây giờ, đã 40 năm trôi qua, đó vẫn là những năm tháng chẳng thể nào quên trong lòng tôi. 

PV: “Chiến đấu vì độc lập, tự do” có lẽ là bài hát được nhiều người nhắc đến nhất khi nói tới chiến tranh biên giới phía Bắc. Bài hát gần như gói gém, chứa đứng tất cả suy nghĩ, cảm xúc của cả dân tộc Việt Nam khi ấy có phải không, thưa ông?

 Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Lúc bài hát lần đầu được phát đi đêm ngày 20/2/1979 trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nhận được điện từ các chiến sĩ Quân khu 5 và Tây Nguyên nói rằng: “Nghe xong ca khúc, chúng tôi chỉ muốn đi lên biên giới góp máu xương của mình để bảo vệ mảnh đất biên cương của Tổ quốc”. Mấy ngày hôm sau, ca khúc này cũng được báo Nhân Dân in và phát hành rộng rãi, sau đó, các cơ quan truyền thông báo chí đều đưa tin và phát sóng ca khúc này.

Hơn ai hết, tôi rất xúc động và hạnh phúc khi cảm nhận được sức mạnh của âm nhạc. Phải sống trong những giây phút như thế mới hiểu được sức mạnh của âm nhạc, thấy đó là sợi dây kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh lớn lao.

 

Ca khúc "Chiến đấu vì độc lập, tự do" được nhạc sĩ Phạm Tuyên lưu lại trong cuốn sổ chép tay.

 

PV: Ngay tại thời điểm đó, bên cạnh ca khúc “Chiến đấu vì độc lập, tự do”, nhạc sĩ đã có những sáng tác song hành với dòng chảy lịch sử, bám sát kịp thời hơi thở thời đại, kêu gọi toàn dân tộc tiếp tục cuộc trường chinh vệ quốc. Nhạc sĩ có thể chia sẻ về những ca khúc đó?

 Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Nghĩ lại cả cuộc đời mình, chưa có một cuộc chiến tranh nào mà tôi viết nhiều bài hát như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Lúc đó, nghĩ đến biết bao chiến sĩ, người dân đã ngã xuống, hy sinh, lòng tôi không thể nào yên. Toàn bộ tâm trí và trái tim tôi lúc nào cũng như muốn vang lên hành khúc gấp gáp, động viên, cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ, đồng bào của tôi nơi tiền tuyến. Thời điểm năm 1979, đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được cử đi thực tế chiến trường, sáng tác cổ vũ động viên chiến sĩ. 

Trước khi viết bài “Chiến đấu vì độc lập, tự do”, tôi có viết bài “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh". Sau đó, tôi có viết thêm 4 ca khúc nữa là “Quyết đánh tan quân xâm lược”, “Tiếng đàn bên bờ sông biên giới”, “Có một đóa Hồng Chiêm “và “Tiễn thầy giáo đi bộ đội”. 

Mỗi ca khúc đều gắn liền với những ký ức in sâu trong tâm trí tôi. “Có một đoá Hồng Chiêm” được tôi sáng tác trong chuyến đi Quảng Ninh, khi nghe tin liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đã anh dũng hy sinh vào ngày 17/2/1979. Hay như ca khúc “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” là tôi viết khi được chứng kiến tình cảm rất hồn nhiên nhưng cũng thương xót khi tiễn người thầy lên đường của con gái tôi, thầy Việt: “Ngày mai thầy lên đường. Đi làm anh bộ đội. Tạm biệt mái trường xinh để lên miền biên giới…”.

Rồi “Tiếng đàn bên bờ sông biên giới” được tôi viết ở mảnh đất Lào Cai, trong không khí sục sôi của chiến tranh, dưới làn mưa bom bão đạn khốc liệt của kẻ thù khi chiến tranh, những người chiến sĩ vẫn lạc quan ngồi gảy đàn lúc đêm khuya, cất tiếng hát thiết tha với niềm tin chiến thắng kẻ thù, giữ vững chủ quyền dân tộc.  

 

Hình ảnh những người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc năm 1979. (Ảnh tư liệu)

 

PV: Có thể nói rằng âm nhạc có sức mạnh lớn lao đồng hành với quần chúng đi qua đạn bom khốc liệt của chiến tranh, thưa nhạc sĩ?

 Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Sức mạnh của âm nhạc nhiều khi không lường được hết. Tôi nhớ mãi câu nói của anh Lưu Hữu Phước: “Phạm Tuyên ơi, âm nhạc là vũ khí đấy. Nếu biết sử dụng thì nó mang sức mạnh cụ thể”. Chức năng của âm nhạc không chỉ là để giải trí mà còn để cổ vũ, động viên, hướng con người đến những lý tưởng cao đẹp trong cuộc sống. Đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, nhiều nhạc sĩ đã viết được những bài hát có sức chiến đấu cao, trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần kịp thời cho quân dân ta vững vàng chiến đấu. 

PV: Dòng “nhạc biên giới” có thể xem như một cách ghi lại lịch sử giữ gìn biên cương Tổ quốc bằng âm nhạcNăm tháng chiến tranh đã qua đi, nhạc sĩ có nghĩ rằng những ca khúc hào hùng đó sẽ mất đi giá trị khi không được phổ biến rộng rãi?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: 40 năm qua, mỗi khi những ca khúc của thời kỳ chiến tranh biên giới được vang lên, tôi rất vui mừng không phải vì người ta nhắc lại bài hát của mình mà nhắc lại một sự kiện lịch sử đau thương nhưng hào hùng của dân tộc. Sức sống lâu bền của một tác phẩm âm nhạc không phụ thuộc vào việc có được phát hành rộng rãi hay không mà nằm ở giá trị của những trang sử giữ nước đầy hào hùng.

Nhiều người ưu ái nói rằng tôi là người viết biên niên sử bằng âm nhạc, nhưng thực chất, tôi may mắn được sống và làm việc trong môi trường báo chí của Đài Tiếng nói Việt Nam cho nên nắm bắt được thông tin và cùng với cảm xúc của mình viết nên những ca khúc đó. Những sáng tác của tôi còn chạm được đến trái tim của các thế hệ người dân Việt Nam có lẽ bởi tiếng lòng tôi hoà chung với tiếng lòng của cả dân tộc. 

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Phạm Tuyên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh