THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:36

Xúc tiến thêm nhiều thị trường XKLĐ mới

 

Giữ ổn định các thị trường trọng điểm

Qua đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2017, một số thị trường xuất khẩu lao động chính tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao như thị trường: Đài Loan, Nhật Bản.

Đặc biệt, thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng và đa dạng về ngành nghề. Số liệu thống kê cho thấy năm 2017 thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (24.502 lao động nữ). Tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản đã lên tới hơn 100.000 người và Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.

Đài Loan vẫn tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 66.926 lao động (23.530 lao động nữ). Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động đưa đi Đài Loan đạt trên 60.000 người (chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm nay). Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tăng đều trong các năm gần đây.

Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định. Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Năm qua, một số thị trường châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài như: Rumani, Ba Lan, Na Uy bước đầu có lời mời hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, điều dưỡng.

 

Lao động Việt Nam trước giờ xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc


Cũng trong năm 2017, nhiều bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác lao động cũng được ký kết, mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm với lao động Việt Nam cũng như tạo đà cho những bước phát triển mới trong năm 2018 như: Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về chương trình thực tập kỹ năng với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế-Lao động-Phúc lợi xã hội Nhật Bản; Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động với Bộ Lao động và Đào tạo nghề Vương quốc Campuchia; Bản ghi nhớ hợp tác chương trình đưa thực tập sinh đi Nhật Bản với Tổ chức thực tập kỹ năng (OTIT)...

Với những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho rằng, nếu so sánh tương quan giữa con số 300 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên tổng số gần 600.000 doanh nghiệp trên cả nước, số việc làm do xuất khẩu lao động tạo ra là cả một sự nỗ lực lớn.Tuy vậy, đánh giá một cách khách quan, lĩnh vực xuất khẩu lao động trong năm qua vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết. Một trong những hạn chế đã được đưa ra nhiều lần là ý thức kỷ luật, tuân thủ pháp luật của người lao động chưa cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Tình trạng bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp trên nước bạn vẫn còn khá nhiều.

Trong khi đó, từ phía doanh nghiệp trong nước, lạm thu, thu phí cao còn xảy ra ở nhiều đơn vị. Các doanh nghiệp không có giấy phép nhưng vẫn nhận lao động, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động, các hoạt động mô giới phổ biến, khiến người lao động mất thêm những khoản chi phí lớn không đáng có. 

Nâng cao chất lượng nguồn lao động

Hiện nay, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước mới.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề và ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài, điển hình là công tác đưa lao động sang thực tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.

 

Giờ thực tập của điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản


Nhận định về thị trường lao động ngoài nước trong năm 2018,  Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, các thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có nhu cầu tiếp nhận lao động cao. Thị trường Hàn Quốc mỗi năm vẫn cần khoảng 60 ngàn lao động, chia đều cho các nước. Thị trường Đài Loan vẫn có nhu cầu tuyển dụng gần bằng năm ngoái. 

“Riêng thị trường Nhật Bản hiện mở thêm nghề trợ lí điều dưỡng cho phép tuyển lao động Việt Nam sang làm việc. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo Cục QLLĐNN đàm phán với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để đảm bảo quyền lợi cho người lao động về mức lương, chi phí xa nhà, còn chi phí hỗ trợ đào tạo sẽ do phía các doanh nghiệp Nhật Bản chi trả”-  Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói và cho biết thêm, lĩnh vực này phía Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn nên các yêu cầu đám phán đưa ra gần như đã được chấp nhận, tuy nhiên chi phí của ngành này sẽ cao hơn các ngành khác. Đây cũng là ngành nghề mới nên việc triển khai cần thận trọng, bởi vì phía Nhật Bản yêu cầu trước khi sang nước này làm việc, người lao động phải đạt trình độ tiếng Nhật N4, trong một năm làm việc phải đạt được N3, nếu không đạt được chuẩn này sẽ phải quay về nước. Cùng với đó, nếu doanh nghiệp nào có thể hỗ trợ các thực tập sinh điều dưỡng cải thiện được ngôn ngữ thì tiếp tục làm. Nhưng nếu sau một năm những doanh nghiệp này có số thực tập sinh quay về nước từ 20% sẽ bị từ chối tiếp nhận. “Những doanh nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ phải đứng sang một bên để không làm “hỏng” việc hợp tác giữa hai Chính phủ”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với: Israel, Kuwait, Romania và Bulgaria. “Chúng tôi đang nghiên cứu đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường đi đôi với chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại các thị trường khu vực Trung Đông-Châu Phi. Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường quản lý việc đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia. Đối với thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất là Đài Loan, năm 2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình tuyển mộ trực tiếp thực chất và hiệu quả”.

Năm 2018 cũng là năm Bộ LĐ-TB-XH triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về Chương trình thực tập sinh kỹ năng đã ký kết năm 2017 với Nhật Bản; Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng theo Luật "bảo hộ thực tập sinh và triển khai chương trình thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài đúng quy định" của Nhật Bản và các quy định của Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định hợp tác lao động với Lào, Nga cũng sẽ tiếp tục được thực hiện.

Để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018, ngành sẽ chấn chỉnh lại hoạt động xuất khẩu lao động, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ đúng luật lao động Việt Nam và nước ngoài của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động,

“Mới đây Cục quản lý lao động ngoài nước và Hiệp hội xuất khẩu lao động đã bàn thảo về việc thành lập sàn giao dịch về việc làm ngoài nước. Trong đó các doanh nghiệp được cấp phép, đã qua thẩm định, sẽ đưa lên cổng thông tin điện tử ngoài nước để người lao động biết đây là hoạt động chính thống. Với sàn giao dịch này, người lao động có thể tiếp cận các doanh nghiệp uy tín, giảm bớt các chi phí trung gian. Các doanh nghiệp được đưa lên cũng sẽ phải cạnh tranh với nhau về tiền lương cho người lao động cao hơn, chi phí thấp hơn. Tôi cho rằng, giai đoạn đầu, số doanh nghiệp tham gia có thể chưa nhiều, song khi thu hút được người lao động, sẽ tạo ra sức ép cho các doanh nghiệp không tham gia. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ có các giải pháp để bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin với các phóng viên báo chí tại Hội nghị giao ban công tác 3 tháng đầu năm 2018 của ngành LĐ-TB&XH các tỉnh phía Bắc diễn ra tại Phú Thọ mới đây.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh