THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Đào tạo nghề, xuất khẩu lao động tăng, chăm sóc bảo vệ trẻ em được chú trọng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân "chấm điểm" phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

 

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn

Theo Chủ tịch Quốc hội, cũng như 2 phiên chất vấn trước, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, nhiều đại biểu đăng ký chất vấn và đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

“Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng Bộ trưởng đã có một lần trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm và thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc chiết và đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể để thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá.

Lao động, việc làm và trẻ em là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và xã hội, nên luôn được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác của bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, như thị trường việc làm, chất lượng đào tạo nghề có bước phát triển, số lượng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài tăng, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em được chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế, bất cập như nhiều đại biểu đã nêu câu hỏi chất vấn, chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực để tạo sự chuyển biến tích cực trong cả trước mắt và lâu dài.

Đây là lĩnh vực có nội dung rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong đó tập trung vào một số vấn đề sau đây:

Tiếp tục rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan đến lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.

Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ giữa các vùng kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm.

Khẩn trương xây dựng đề án dự báo cung - cầu lao động.

Có giải pháp để xử lý sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông. Xây dựng và triển khai đề án thanh niên, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo.

Tập trung giải quyết việc làm cho số đối tượng sinh viên sau khi ra trường chưa có việc làm, có biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng vấn đề việc làm cho lao động nông thôn.

Có lộ trình, giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp, xây dựng, triển khai đề án giải quyết việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% cơ sở GDNN công lập

Đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng chất lượng, đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành để nâng cao năng suất lao động. Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm và việc làm bền vững, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thông qua việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn hóa các điều kiện giáo dục nghề nghiệp, trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, ngành, nghề và trình độ đào tạo.

Cùng với đó, quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động xuất khẩu giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và quy định tiêu chuẩn nghề theo từng thị trường, kiểm định chất lượng lao động có nghề, trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Tăng cường gắn kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, thị trường lao động, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư, các điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với các nước có nhu cầu lao động, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường lao động. Rà soát thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong việc cấp phép cho doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài để trục lợi. Phối hợp với các cơ quan có các giải pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế tối đa việc lợi dụng đi lao động ở nước ngoài để trốn ở lại nước sở tại trái pháp luật.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tích cực truyền thông, đề cao trách nhiệm giáo dục của gia đình, của nhà trường, của cộng đồng đối với trẻ em về các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện tốt phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia quyền trẻ em.

Thanh Nhung - Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh