THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:19

Vượt biên trái phép ở Lai Châu gia tăng

Bốc vác, cuốc vườn và phát dọn nương trong điều kiện làm việc khắc khổ là những công việc chính của người lao động Việt Nam ở Lai Châu khi sang Trung Quốc làm thuê, để rồi khi sắp đến tháng lĩnh tiền công thì lực lượng công an Trung Quốc “vô tình” tìm đến kiểm tra. Vậy là những cuộc “bỏ của chạy lấy người” diễn ra và người lao động phải bắt buộc tìm đường về Việt Nam với hai bàn tay trắng. Đó là câu chuyện của những người dân là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao ở các huyện: Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ…kể lại với cán bộ biên phòng, khi vượt biên trở lại Việt Nam bị bắt giữ. Hầu hết hành trang họ mang về nước chỉ là những bao tải dứa đựng vài ba cái nồi đen nhẻm và ít vật dụng cá nhân. Nhiều người trong số họ khi trở về nước với khuôn mặt hốc hác vì lẩn trốn mấy ngày không có gì ăn. Họ được lực lượng biên phòng cưu mang, cho tiền xe về quê.

Lao động Việt vượt biên được cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả về nước 

Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, anh Mã A Da, dân tộc Mông, một người dân vượt biên đến từ bản Sin Câu II, xã Giang Ma, huyện Tam Đường - bị bắt giữ ở đây cho biết: Đây là lần thứ hai anh vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Lần này, khi sang anh có làm thủ tục xuất nhập cảnh qua đường chính ngạch tại cửa khẩu.

Do anh và đoàn người cùng đi không biết chữ nên không biết là giấy thông hành đã hết hạn. Do chủ nương người Trung Quốc bắt làm hết tháng mới trả tiền công, anh và mọi người phải làm cố để có tiền về và phải vượt biên qua suối. Anh Mã A Da cho biết: “Ở bản mình có 8 người đi, sang bên kia làm được gần một tháng. Ở bên đấy đi làm nương chuối từ 7h sáng đến 5h chiều. Biết đi sang bên đấy là trái phép, giờ thì mình về không đi nữa”.

Dòng suối biên giới trên địa bàn bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng quản lý thời gian này nước rút xuống chỉ còn vài chục phân. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều người dân né tránh lực lượng biên phòng và đội tự quản đường biên của địa phương, vượt suối sang Trung Quốc và về Việt Nam.

Tình trạng vượt biên trái phép diễn ra từ đầu năm và nóng nhất là từ trung tuần tháng 3 tới nay. Thời gian qua, dù đã được các cấp chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng tăng cường tuyên truyền, nhưng tình trạng người dân vượt biên trái phép vẫn diễn ra hàng ngày. Các đối tượng vượt biên thường theo dõi lực lượng chức năng và lựa chọn thời điểm sáng sớm, buổi trưa hoặc chiều tối để lội qua suối. Thiếu úy Vùi Văn Thuận, cán bộ trinh sát và phòng chống tội phạm Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng cho biết: “Bà con có người không biết tiếng phổ thông nên không hiểu sâu các nội dung tuyên truyền của bộ đội biên phòng. Trong quá trình tuần tra, phát hiện người dân vượt biên, bộ đội biên phòng cũng có giáo dục, tuyên truyền, đề nghị bà con về địa phương tuyên truyền lại cho dân bản, vượt biên trái phép là sai với quy định của pháp luật. Thứ hai là vượt biên trái phép sang bên kia lao động là không an toàn. Nhiều trường hợp đã sang Trung Quốc rồi phải quay trở về”.

Theo Đại úy Nguyễn Bình Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng: “Nhu cầu người dân đi làm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là hoàn toàn chính đáng, nhưng việc vượt biên trái phép là trái với quy định của pháp luật. Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đặc biệt đã triển khai các tổ công tác thường xuyên bám nắm địa bàn, thường trực 24/24 tại hai bên cánh gà cửa khẩu. Tuyên truyền cho bà con hiểu được việc đó là sai trái, quay trở về địa phương và thông báo cho địa phương để cùng quản lý và phối hợp tốt”.

K. Vân (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh