CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:42

Vượt biên làm thuê: Sự thật cay đắng (!)

 Tường trình của “lao động chui”

“Biết vượt biên làm thuê là trái phép và có nhiều mối nguy hiểm rình rập, nhưng nghe họ rỉ tai nhau bảo “ngày công lao động hấp dẫn” nên tôi và nhiều lao động khác vẫn bất chấp tất cả...” - anh Nguyễn Văn Thuận (quê xã Xuân Lộc, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) tâm sự.  

Cử nhân đi tìm miền đất hứa…

Theo lời anh Thuận, cầm tấm bằng cử nhân cao đẳng trên tay, anh đã 2 năm lưu lạc khắp trong Nam, ngoài Bắc để tìm kiếm việc làm nhưng không có kết quả. Tết năm 2012, anh về quê trong tâm trạng chán nản... Cũng trong năm ấy, không biết ai khơi mào nhưng phong trào đưa lao động vượt biên làm thuê tại vùng quê Xuân Lộc bùng phát.

Khi đó, theo lời Thuận, ở quê anh cũng có vài người đổi đời, có bát ăn bát để nhờ... vượt biên.Thuận kể, đầu mối đưa lao động ở Xuân Lộc sang Trung Quốc là một phụ nữ tên Bình, bà này trước kia là nạn nhân của một đường dây lừa xuất khẩu lao động sang Đài Loan.

Lao động Việt Nam làm việc ở điều kiện không bảo hộ ở bên kia biên giới

Sau hơn chục năm lưu lạc nơi đất khách, bà Bình xuất hiện ở quê với cái mác Việt kiều. Và, bà ta đã gieo vào đầu những người dân nghèo khó ở Xuân Lộc giấc mộng đổi đời. Những lời ngon ngọt của bà Bình đã khiến nhiều người đồng ý theo bà ta sang nước bạn làm thuê qua đường giáp biên ở Quảng Ninh, Lạng Sơn. “Mới đầu, những lời bà Bình nói tôi cũng để ngoài tai.

Nhưng cách đó ít hôm, lũ lượt thanh niên trai tráng trong xã, trong đó có những người bạn của tôi - họ toàn là những cử nhân đại học, cao đẳng ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, khoác ba lô tiến lên biên giới nên tôi cũng phân vân.

Không có việc làm, ăn bám gia đình mãi không được nên chẳng còn lựa chọn nào khác, ngày 16/7/2012, tôi quyết định bán chiếc xe máy cũ kỹ làm làm lộ phí vượt biên”, Thuận chia sẻ. Theo lời kể của Thuận, đêm hôm đấy anh và một nhóm khoảng 10 người cùng quê từ Thanh Hóa bắt xe khách ra Hà Nội, sau đó sang xe lên thẳng cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn). Đến cửa khẩu đã quá trưa, có một đội xe ôm chực chờ sẵn đưa số lao động từ Thanh Hóa đến sát biên giới.

Tại đây, những người này đã giúp các anh quy đổi tiền Việt sang Nhân nhân tệ. Khi cả nhóm đến giáp đường biên thì gặp hàng chục nhóm khác cũng đang lỉnh kỉnh ba lô trong tư thế... chờ giờ đẹp để xuất phát. Đúng 3 giờ chiều, một người Việt tên Quang xuất hiện, giới thiệu là người được các ông chủ Trung Quốc ủy nhiệm dẫn mọi người qua biên giới và sắp xếp nơi ăn, việc làm.

“Chúng tôi đi bộ, trèo đèo, lội suối xuyên suốt một ngày đêm, ai nấy đều mệt mỏi. Trên đường đi tôi thấy có hàng trăm người, ai cũng khoác theo chiếc ba lô cùng một bình nước nhỏ. Qua hỏi thăm, đó là những lao động nghèo từ các tỉnh, thành phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang... Họ cũng như chúng tôi, lần hồi qua biên giới tìm vận may.

Vào nội địa thị xã Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), chúng tôi được Quang nhồi nhét lên chiếc xe “chuồng gà” 7 chỗ và tiếp tục chạy chừng 200 cây số nữa rồi tiến vào một công trình xây dựng. Quang xuống xe làm thủ tục với ông chủ rất nhanh gọn và sau cái bắt tay chúng tôi, Quang biến mất.

Chúng tôi được người phụ trách công trường dẫn đến một khu tập trung chia tách thành hai khu người Việt riêng, người Hoa riêng. Ngay ngày hôm sau, dù còn mệt lả nhưng chúng tôi đã bắt tay vào công việc”, Thuận kể về hành trình vượt biên của mình.

Vỡ mộng đổi đời

Theo lời Thuận, anh và mọi người được khoán việc trát tường nhà của công trình này. Làm quần quật từ 7 giờ sáng đến gần 8 giờ tối, mỗi người chỉ được trả tiền công chừng 150.000 đồng. “Khi chủ đưa giá đó, chúng tôi đều tỏ sự bất bình và phản đối, bởi tiền công đó không bằng thu nhập ở quê. Nhiều người đòi trở về nước, tuy nhiên, ông chủ người Hoa cương quyết giữ lại và nói rõ đó là giá đã thỏa thuận với người đàn ông tên Quang”, Thuận chua chát kể.

Theo lời Thuận, khi biết mình bị lừa, quá thất vọng, nhiều người có ý định bỏ trốn.Thuận kể, theo kế hoạch, lợi dụng một tối ông chủ không để ý, nhóm công nhân gồm 15 người, trong đó có Thuận đã bỏ trốn. Thế nhưng, chỉ 10 người trốn thoát và anh may mắn nằm trong số người bỏ chạy thành công.

Tuy nhiên, “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. “Sau lần trốn khỏi công trình xây dựng, nhóm chúng tôi được một phụ nữ gốc Việt giới thiệu vào làm việc cho một xưởng gỗ trong ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thành phố Quảng Đông. Đến làm việc ở xưởng gỗ được 2 tháng, chúng tôi lại tiếp tục gặp ông chủ dùng chiêu bài cũ, đó là giao cho nhiều công việc nặng nhọc, độc hại và ăn chặn tiền công một cách trắng trợn.

Không những thế, công nhân ốm đau cũng không được nghỉ, trừ trường hợp liệt giường”, Thuận kể tiếp. Làm ở xưởng gỗ một thời gian, biết không thể trụ được, Thuận và mọi người lại bỏ trốn. Trên đường trốn chạy, dù rất muốn trở về quê nhà nhưng không có tiền, lại thêm suy nghĩ cố tìm biết đâu được việc vừa ý nên anh đã nán ở lại. Tuy nhiên, vận may ấy chẳng mỉm cười. Gần 1 năm quăng quật, 6 lần bỏ chạy khỏi chỗ làm, cuối cùng Thuận và mọi người phải chấp nhận sự thật là mình đã thất bại.

Ám ảnh đau đớn

Theo lời Thuận, những ngày làm việc ở xứ người, tận mắt anh đã chứng kiến nhiều chuyện đau đớn. “Xót xa nhất là không ít trường hợp bỏ mạng vì tai nạn lao động hay chết vì đánh nhau do mâu thuẫn”, Thuận buồn bã nói. Anh bảo, Quảng Đông là tỉnh có nhiều người Việt vượt biên trái phép nhất hiện nay. Ở đây có tới hàng nghìn người, nhiều đến mức họ có thể lập hội, lập làng, ví như có “làng Hà Tây”, “làng Thanh Hóa”, “làng Bắc Giang”...

Làm việc, bởi khó khăn nên chính các “làng” cũng có mâu thuẫn, thanh trừng lẫn nhau. Từ Quảng Đông di chuyển đường bộ đến Móng Cái (Quảng Ninh) đi nhanh cũng mất cả ngày đường, do vậy mỗi khi xảy ra án mạng, người nhà muốn đem xác về quê là việc rất khó.

Theo tìm hiểu của Thuận, để đưa xác lao động bị nạn về đến cửa khẩu, người thân phải mất khoản tiền tương đương 600 triệu đồng. Số tiền này với những người lao động nghèo là quá lớn. Bởi thế, nhiều trường hợp đã phải nằm lại nơi đất khách.

Lao động Việt vượt biên được cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả về nước (ảnh Internet)

Lặng người hồi lâu, Thuận kể lại câu chuyện được nghe từ một người bạn: “Tôi có người bạn cùng cảnh ngộ tên Vịnh, quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Cuối năm 2013, anh này có người thân tên M cũng là lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, do bất cẩn, rơi giàn giáo công trình xây dựng và tử vong.

Vị trí tử vong tuy gần đường biên, nhưng để đem xác về theo đường chính cửa khẩu thì người bên phía Trung Quốc yêu cầu người phải bỏ ra khoản tiền là 70 triệu đồng. Hoàn cảnh khó khăn, gia đình quyết định tự vận chuyển xác chị M về bằng đường tắt. Bàn bạc, gia đình cắt cử 6 người sang thay nhau cõng xác, sau mấy ngày lội rừng, khi đưa được nạn nhân về thì thi thể chị M đã bốc mùi kinh hãi... “.

(Còn nữa...)

PHẠM TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh