CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:40

Tiềm ẩn rủi ro khi vượt biên giới làm thuê

Chính quyền biết mà đành làm ngơ ?

Có mặt tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), chúng tôi được ông Đoàn Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Quảng Nham là một xã nghèo vùng bãi ngang ven biển, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, cả xã có 15.000 dân thì có đến 4.000 lao động tự do. Diện tích đất tự nhiên nhỏ hẹp, đất nông nghiệp không có, hầu hết số lao động có việc làm ổn định ở địa phương đều tham gia sản xuất nghề cá và các dịch vụ nghề cá.

Số còn lại không nghề nghiệp ổn định, nhiều người rời nhà đi làm ăn ở các thành phố lớn, thậm chí đi “lao động chui” sang Trung Quốc.Theo kết quả rà soát của xã Quảng Nham, hiện toàn địa bàn có hơn 400 lao động thường xuyên qua lại Trung Quốc làm việc. Hầu hết số lao động “chui” này đều được các “cò lao động” dắt mối đưa sang bên kia biên giới bằng đường bộ, sau đó đưa vào các vùng sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, may mặc... để làm việc.

Đa phần họ đi biền biệt, dịp cuối năm mới trở về quê ăn tết. Khi về, nhiều người “cõng” theo các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự địa phương.Ở Quảng Nham, có những gia đình quanh năm đóng cửa vì vợ chồng cùng đi lao động “chui”. Ban đầu chỉ một số nhóm người tự phát cùng nhau vượt biên đi làm “chui” theo kiểu người đi trước giới thiệu, bảo lãnh người đi sau, về sau xuất hiện nhiều “cò” dụ dỗ, lôi kéo tổ chức thành đường dây đưa người vượt biên trái phép kiếm lời.

Đội ngũ môi giới ngày một đông, chủ yếu là các đối tượng giáp biên móc nối với chủ người Trung Quốc hoặc phụ nữ lấy chồng Trung Quốc về nước lùng sục dắt mối... “Chính quyền xã chỉ có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, biết đấy mà không xử lý được”, một cán bộ xã nói vậy.

Tiềm ẩn rủi ro khi vượt biên giới làm thuê Ảnh minh họa.

Tại xã Quảng Thạch, ông Bùi Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã, cũng ghi nhận, địa phương có 140 lao động đang làm việc “chui” tại Trung Quốc, năm 2014 đã có một trường hợp lao động tử nạn khi đi làm thuê. Hầu hết lao động đi làm ở Trung Quốc đều không khai báo với chính quyền địa phương nên rất khó cho xã trong công tác quản lý, xử lý khi có sự cố xảy ra để bảo vệ lợi ích của người dân.

Có trường hợp vợ hoặc chồng nghe theo lời mai mối của người khác đi sang Trung Quốc làm ăn, được một thời gian họ trở về và đưa người nhà đi tiếp. Đặc biệt, có cả những thiếu niên mới 15, 16 tuổi cũng theo bố, mẹ đi lao động “chui”, nhiều gia đình để lại con nhỏ cho ông bà chăm sóc.

Ông Long tỏ ra day dứt: “Chính quyền địa phương luôn trăn trở về tình trạng này và đã ra sức tuyên truyền cho bà con nhận thấy những tác hại, hậu quả của việc sang Trung Quốc làm thuê trái phép, nhưng không phải ai cũng nhận rõ hiểm nguy rình rập”.Qua tìm hiểu, các địa phương khác như xã Quảng Chính (huyện Quảng Xương), Hải Châu (huyện Tĩnh Gia), Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc)... cũng có tình trạng người dân đi làm việc “chui” ở Trung Quốc.

Không chỉ dừng ở tuyên truyền, vận động

Phần lớn lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm việc đều là lao động phổ thông, không có tay nghề, thường phải làm những công việc nặng nhọc, thời gian và cường độ lao động lớn, điều kiện làm việc không bảo đảm, việc trả lương không đúng thỏa thuận hoặc không tương xứng với công sức bỏ ra, các quyền lợi như nghỉ ngơi, chữa bệnh, bảo hiểm không được bảo đảm.

Không ít trường hợp bị chủ sử dụng lao động quỵt tiền, bị một số đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản. Ngoài những rủi ro trên, lao động “chui” còn đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người; phụ nữ bị ép làm gái bán dâm,...

Nguyên nhân của tình trạng người lao động đi làm việc ”chui” tại  Trung Quốc là do đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm ổn định, thu nhập thấp. Một số người muốn đi xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch nhưng không có tay nghề, trình độ ngoại ngữ,... Song, quan trọng hơn là nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, nhiều người nhẹ dạ cả tin, bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa đảo đưa ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp...

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thế Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho hay: “Tình trạng người lao động đi làm việc “chui” tại Trung Quốc đã xảy ra nhiều năm nay, huyện đã chỉ đạo các xã có tình trạng này đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với công an huyện tổ chức điều tra, phát hiện, xử lý các đối tượng cầm đầu, tổ chức lôi kéo đưa người sang Trung Quốc làm ăn trái phép, nhằm ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền với những lao động đang làm bên Trung Quốc gặp hết sức khó khăn. Hiện tại vẫn chưa có chế tài đủ mạnh cho việc xử phạt đối với lao động chui...”.

Dù biết có những hệ quả xã hội khó lường từ việc người dân sang Trung Quốc làm thuê trái phép, nhưng chính quyền địa phương các xã vẫn không có biện pháp quản lý nào hơn ngoài việc tuyên truyền vận động. Làm sao để tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định, giữ chân người lao động địa phương để họ không đi làm việc trái phép.       

Tường Lâm-nguồn ảnh:Internet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh