THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:08

Vượt biên làm thuê: Sự thật cay đắng (!)

 Làm cực khổ, không đủ tiền về nhà 

Học xong lớp 6 thì bỏ học, nhà chỉ có mấy sào ruộng, không có công việc ổn định nên Thân Văn Linh (SN 1991), ở thôn Biển Trên, xã Biển Động, (huyện Lục Ngạn) đã theo nhóm bạn cùng xã vượt biên sang Trung Quốc làm thuê vì nghe nói bên ấy dễ kiếm việc, lương lại cao. Sang Trung Quốc đầu năm 2010, Linh xin làm ở một xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em. Ngay từ những ngày đầu vào làm, viễn cảnh mà Linh nghĩ trước đó đã nhanh chóng tan biến.

Làm quần quật từ sáng đến tối, bị quản lý chặt chẽ về thời gian, nhưng thu nhập thì chẳng là bao. 6 tháng ở Trung Quốc (từ tháng 1 đến 7/2010), Linh đã 5 lần thay đổi chỗ làm mà tiền công vẫn không đủ sống.

Chuyến xe đưa lao động Việt qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn sang Trung Quốc làm việc

Chán nản Linh muốn được về quê nhưng không có tiền. Để về nước, không còn cách nào khác, Linh phải gọi điện cầu cứu gia đình.Không may mắn như Linh, ở thôn Thùng Thình, (xã Biển Động) khi nhắc đến trường hợp của chị Trần Thị Thúy (SN 1997) ai cũng nhói lòng. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Thúy sang Trung Quốc làm công nhân. Và, trên hành trình mưu sinh ấy, không may cô bị tai nạn, Về quê trong tình trạng vẹo cột sống, vỡ xương chậu, hiện đang nằm liệt giường.

Trò chuyện với PV Báo LĐ&XH, người thân của Thúy bảo, doanh nghiệp nơi Thúy làm hoàn toàn phủi tay, không có trách nhiệm gì sau tai nạn của Thúy. Ngày Thúy khăn gói sang bên kia biên giới, mọi người đã gửi theo bao nhiêu kỳ vọng. Ai cũng nghĩ những khó khăn trong cuộc sống bấy lâu gia đình đang vướng phải sẽ được tháo gỡ. Nào ngờ, tiễn con đi lành lặn, đón con về là một phế nhân. Mẹ Thúy bảo, bởi lo thuốc thang, bởi phải cắt cử người chăm sóc nên cảnh nhà càng thêm  túng quẫn.

Bỏ mạng ở xứ ngườiĐã một năm trôi qua, bà Đàm Thị Phèn (SN 1961), dân tộc Nùng, ở xóm Cẩm Định, (xã Thanh Hải, Lục Ngạn) chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất con. Anh Hứa Văn Thăm (SN 1996) (con trai bà Phèn) đi làm thuê và thiệt mạng tại tỉnh Phúc Kiến cuối tháng 6/2013. Bà Phèn cho hay, hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn, chồng bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, một mình bà ở vậy nuôi 4 đứa con.

Lam lũ, tuổi già nên bà cũng đau ốm thường xuyên. Ở nông thôn, mấy mẹ con bà rau cháo qua ngày nhờ mấy sào ruộng khi được mùa, khi thất bát. Hứa Văn Thăm là con thứ 3, học hết cấp 2 thì nghỉ học ở nhà phụ giúp mẹ. Tháng 1/2013, theo mấy người bạn ở quê, con trai bà đã quyết định vượt biên trái phép sang Trung Quốc kiếm việc làm.

Nhiều lao động phải ngậm đắng sau ngày trở về

Thăm chẳng mấy khi xa nhà nên biết con quyết đi, bà lo lắm. Nhưng lo thì lo vậy thôi chứ bà cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác bởi bà nghĩ, đời mình đã khổ, hi vọng các con sẽ khá hơn. Từ ngày vắng con, nhiều đêm bà không chợp mắt. “Cứ nghĩ đến việc thằng bé phải bôn ba nơi đất khách quê người để kiếm miếng ăn tôi chẳng thể nào yên”, bà Phèn rớm nước mắt kể. Và rồi, nỗi phấp phỏng của bà đã hóa thành nỗi đau khôn xiết: Con trai bà thiệt mạng do tai nạn lao động.

Từ khi con trai chết, bệnh tật của bà như càng nặng thêm, người gầy xọp, mắt thâm quầng, chân run rẩy đi không vững. Bà Phèn nức nở: “Nghe nói để đưa thi thể người thân về phải chi phí từ 200 - 300 triệu đồng. Gia cảnh nhà tôi nghèo khó, lo ăn từng bữa còn không nổi lấy đâu tiền đón con về”. Theo bà Phèn, gần năm qua, dù được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ nhưng bà vẫn chưa thể đưa xác con trai về quê được.

Trường hợp của chị Lương Thị Cúc (SN 1977) ở thôn Suối Nứa, xã Đông Phú (Lục Nam) cũng không may mắn hơn. Cho đến bây giờ chị không sao quên được quãng thời gian cơ cực khi hai vợ chồng còn làm thuê ở Trung Quốc. Thắp nén hương cho người chồng quá cố, chị kể nguồn cơn câu chuyện. Chị lấy chồng năm 1995, khi ở riêng, tài sản bố mẹ cho chỉ có 2 sào ruộng khoán, hai vợ chồng tất bật làm thuê làm mướn khắp nơi nhưng chẳng thoát khỏi cảnh nghèo.

Tháng 2/2010, nghe người xã bên giới thiệu, vợ chồng chị liều mình vượt biên sang Trung Quốc tìm kiếm vận may. Đi rồi mới biết cuộc sống làm thuê nơi xứ người không như mong đợi. Chị được giao việc bó xếp quần áo cho một xưởng may tư nhân, còn người chồng phụ bếp nhà hàng. Làm quần quật không ngơi nghỉ, thỉnh thoảng còn bị chủ phạt tiền, mắng chửi thậm tệ.

Nhiều lần có ý định về nước nhưng nghĩ đã mất công đi nên vợ chồng chị đã cố gắng động viên nhau với hi vọng ngày nào đó vận may sẽ đến. Nhưng rồi ngày đó đã không bao giờ đến bởi anh Hồ Văn Trương, chồng chị bất ngờ qua đời sau một cơn tai biến.“Không ai muốn tha hương cầu thực nơi đất khách đầy rủi ro, hiểm nguy, nhưng gánh nặng mưu sinh buộc chúng tôi phải liều mình”, chị Cúc buồn bã nói. Tâm sự với chúng tôi, chị Cúc bảo, giờ về nước được an toàn rồi nhưng tương lai thì vẫn mịt mùng, không lối thoát. “Giờ gia đình đã mất đi chỗ dựa, nuôi hai đứa con ăn học, tôi cũng chẳng biết tính sao!”.

Còn nhiều diễn biến phức tạp

Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang xác nhận: “Những năm qua, trên địa bàn một số huyện ở Bắc Giang có vị trí địa lý gần với các tỉnh vùng biên của Trung Quốc nên đã có nhiều người sang làm việc trái phép. Đa số những lao động này trình độ học vấn thấp, dễ bị môi giới, cò mồi lợi dụng dụ dỗ, lừa gạt bằng nhiều thủ đoạn tinh vi”.

Theo ông Dũng, một số người địa phương có quan hệ thân tộc, hay những phụ nữ đi Trung Quốc lấy chồng về thăm thân nhân đã rủ rê số anh em, người thân sang đó làm việc. Những người này đi không báo cáo nên chỉ khi xảy ra chuyện, chính quyền địa phương mới biết.

Cũng theo ông Dũng, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã xử lý nhiều đối tượng lừa đảo đi XKLĐ với số lượng nạn nhân lớn. Cụ thể, vụ tổ chức đưa 21 người sang Trung Quốc lao động trái phép tại huyện Sơn Động vào tháng 3/2014 do đối tượng Hồ Văn Sanh (SN 1989 ở xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động) cầm đầu. Những người này được Sanh đưa lên Lạng Sơn, sau đó đi vòng theo đường rừng qua cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình, Lạng Sơn).

Hàng ngày nhiều lao động khu vực gần biên giới thường xuyên qua biên giới làm thuê

Mỗi người đưa sang Trung Quốc thành công, Sanh sẽ thu 2,5 triệu đồng tiền phí. Trước đó, tháng 3/2013, Công an huyện Lục Nam phối hợp với Công an xã Vô Tranh tiến hành kiểm tra và ngăn chặn kịp thời 4 xe ô tô chở 62 người đang trên đường đi sang Trung Quốc tìm việc trái phép.

Đối tượng cầm đầu là Bàn Văn Năm, sinh năm 1963, trú tại xã Vô Tranh. Tháng 8/2013, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang, Công an tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đã kiểm tra, xác minh phát hiện 1 cá nhân tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng về hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức đào tạo, thu tiền của 39 lao động.

Sau khi kiểm tra, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với cá nhân này, đồng thời buộc đối tượng này trả lại toàn bộ số tiền đã thu trước đó cho các nạn nhân.Cũng theo ông Nguyễn Thế Dũng, để ngăn chặn tình trạng lao động chui vượt biên sang Trung Quốc, Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang đã chú trọng tăng cường phối hợp với các huyện thị quản lý lao động trên địa bàn, tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là đối với lao động nông thôn, miền núi cảnh báo những hậu quả của việc đi xuất khẩu lao động chui.

Tuy nhiên, việc lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc ở Bắc Giang hiện vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, để giải quyết tận gốc cần có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội. 

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, lượng lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc ở Bắc Giang đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2012, toàn tỉnh có khoảng 7.300 người vượt biên thì thì đến năm 2013 giảm xuống còn khoảng 5.700 người. Quý I/2014 chỉ còn khoảng 3.800 người.

(Còn nữa...)

Chu Lương - Hoa Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh