CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:45

Nỗi niềm của ông Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An

Ông Phú trao đổi với phóng viên

Trao đổi về những thông tin gần đây báo chí đưa tin, chuyện lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An ăn chặn gần 800 triệu đồng, tiền chi cho các đối tượng, ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm đã bật khóc, nói. “Tui đã có 39 năm công tác, cống hiến hết mình cho công việc, chưa bao giờ ngờ rằng giờ đây lại bị mọi người nghĩ tui ăn chặn tiền của các đối tượng”.

Nói về những bức ảnh và thông tin báo chí đăng tải, ông Phú nghẹn ngào: Nếu ai đã sống, làm việc tại đây hoặc hay ra vào Trung tâm đều biết, chúng tôi phải coi đối tượng như người thân mới làm được công việc này. Chưa nói chuyện xé quần áo, chăn màn, đập phá nhà cửa, phóng uế lung tung mà ngay khi ăn, một cái bát cứng và dày đều trở thành hung khí cho các đối tượng đánh nhau. Đã rất nhiều lần đối tượng dùng thìa đâm nhau, thậm chí còn dùng đũa chọc lòi lòi con mắt ra, rất khủng khiếp. Còn đánh, chửi cán bộ thì thường xuyên. Giải thích những bức ảnh nhạy cảm về thiếu đồ dùng cho đối tượng được đưa lên mạng, khiến mọi người bức xúc, ông Phú nói:" Cũng phải hạn chế một số đồ vật, phương tiện sinh hoạt để hạn chế thấp nhất những rủi ro mà bệnh nhân tâm thần có thể sử dụng gây hậu quả xấu cho người khác".

 

 

Các nhân viên của Trung tâm cắt tóc cho các đối tượng

Ghi nhận tại Trung tâm, chúng tôi thấy những công việc của các cán bộ, nhân viên của Trung tâm hết sức vất vả, đặc biệt là chăm sóc các đối tượng tâm thần. Trung tâm chỉ có 27 cán bộ, nhân viên mà chăm sóc cho hàng trăm đối tượng, trong đó có hơn 122 đối tượng tâm thần. Hàng ngày vào sáng sớm nhân viên công tác xã hội của Trung tâm tiến hành vệ sinh cá nhân và vệ sinh phòng ở cho các đối tượng, sau đó cán bộ y tế khám và kê đơn thuốc cho các đối tượng, rồi giặt giũ, rồi cho các đối tượng ăn uống. “Vì quản lý hàng trăm đối tượng nên khi ăn phải có phiếu ăn, để phòng chăm sóc dinh dưỡng lên thực đơn, tính toán và đi chợ. Ai không ăn phải báo trước, ai được nhân viên y tế chỉ định ăn cháo hoặc sữa, hoặc hoa quả … đều phải có phiếu đăng kí. Vì vây nói Trung tâm nhân số học khai khống suất ăn là không đúng”, ông Phú thanh minh.

Khu nhà dành cho đối tượng tâm thần

Trong quá trình chăm sóc đối tượng, có đối tượng tâm thần, người già, trẻ em, nên có hôm nhiều đối tượng không muốn hoặc không ăn được, có nguyện vọng được ăn riêng, nên Trung tâm đã cho họ nhận tiền để tự túc ăn sáng. Khi nhận tiền có đối tượng kí được, đối tượng không kí được thì điểm chỉ, có đối tượng không kí được, không điểm chỉ được như đối tượng tâm thần giảm nhẹ, thì cán bộ kí thay nhưng có ba bên cả đối tượng cả người nhà hoặc người làm chứng, chứ không phải cán bộ tự ý kí rồi lấy tiền bỏ túi như nhiều thông tin đã đưa. Khi làm việc với đoàn thanh tra , cán bộ Trung tâm đã giải trình và mời người đối chất đầy đủ, nhưng đoàn chỉ ghi nhận. Và việc này cũng chỉ đến năm 2013, sau đó đoàn về kiểm tra và yêu cầu phải cho đối tượng ăn thì Trung tâm đã cho đối tượng ăn từ đó đến nay.

 

Ông Phú rất buồn khi nói về vấn đề bị thanh tra

 “Ngoài ra có nhiều vấn đề “tình ngay lý gian” , ông Phú nói. "Ví như mai táng phí cho đối tượng, trước đây quy định là 2 triệu đồng, một đối tượng, sau đó sửa đổi là hơn 5 triệu đồng, một đối tượng, nhưng sau đó lại thống nhất 3 triệu một đối tượng. Trong quá trình chờ thống nhất 3 triệu thì có một số đối tượng qua đời, nên Trung tâm lại thực hiện mai táng phí theo mức hơn 5 triệu đồng, nhưng giờ giải trình thanh tra không chấp nhận”.

 

Nhà ăn dành cho đối tượng tâm thần

Tại Trung tâm công việc vất vả là thế nhưng kinh phí lại rất hạn hẹp. Trước đây đối tượng tâm thần được hưởng 450 ngàn/người/tháng, đối tượng người cao tuổi 360 ngàn/người/tháng nên việc nấu ăn cho đối tượng rất khó khăn. Tính ra đối tượng người cao tuổi chỉ được 12 ngàn đồng/ ngày và đối tượng tâm thần 15 ngàn đồng/ngày, bao gồm tất cả mắm, muối, dầu mỡ…. Từ ngày 1/1/2015, có sửa đổi tăng tiền ăn cho đối tượng, nhưng tới đầu tháng 10 mới có tiền, nên trước đó một thời gian ngắn vẫn cho đối tượng ăn theo chế độ mới, nhưng phải nợ ngoài chợ. Ông Phú cho biết: “Việc cào bằng suất ăn như nhiều thông tin đưa là không đúng, vì không có cơ sở vật chất và nhân lực, nên phải nấu chung một bếp, nhưng suất ăn của các đối tượng là khác nhau và khi chia suất ăn cũng chia cho hai nơi khác nhau”.

 

 

Khu vực xem ti vi tập trung cho các đối tượng

Còn về việc trang cấp cho đối tượng chưa được mua đủ, ông Phú thừa nhận có muộn và cũng có chi sai một phần. “Vì kinh phí chi thường xuyên cho Trung tâm ít mà các chi phí phát sinh thêm lại nhiều vì tập huấn, tổng kết, các cuộc họp ở xa Trung tâm không được biết trước, nên Trung tâm có vận dụng và ưu tiên công tác nhưng cũng chỉ một năm có mấy triệu mà thôi”

Ông Phú rầu rỉ nói tiếp: Thông tin báo chí đưa, chúng tôi ăn chặn tiền của đối tượng thì tụi tui buồn quá các chú ạ. "Tui mười mấy năm bộ đội rồi chuyển ngành, 39 năm công tác trong ngành, hơn 20 năm là giám đốc, cống hiến hết mình cho công việc, chưa bao giờ tơ hào một đồng của đối tượng. Gần hết đời cũng chỉ có một ngôi nhà cấp 4 xây bằng tạp lô, 45m2. Có dịp các anh ghé qua nhà tui chơi tí cho biết luôn. Giờ nói chi ô tô, nhà lầu. Rứa mà mang tiếng ăn chặn, buồn quá, thương cho vợ con quá chú ạ”

Khuôn viên của Trung tâm

Ngày 3/11, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã có quyết định tạm đình chỉ công tác của ông Nguyễn Xuân Phú,Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An

HOÀNG TÙNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh