Phát hiện gần 1.800 sai phạm về pháp luật lao động
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 23:30 - 16/10/2015
Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý Tham dự Hội thảo
Năm 2015, với sự hỗ trợ của ILO, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tuân thủ tại nơi làm việc thông qua thanh tra lao động” do Chính phủ Hà Lan tài trợ, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thực hiện thí điểm chiến dịch thanh tra lao động trong ngành may mặc. Nhằm tăng cường sự tuân thủ pháp luật lao động và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong ngành may mặc; tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật lao động, đồng thời phát huy vai trò và sự tham gia có trách nhiệm của giới sử dụng lao động và tổ chức công đoàn vào công tác thanh tra lao động, từ đó tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chiến dịch thanh tra lao động diễn ra từ tháng 5/2015 đến hết tháng 9/2015, thực hiện đối với các doanh nghiệp có tổng số lao động dưới 1000 người, tại 12 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Bến Tre, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Với 2 nội dung chính là hoạt động truyền thông, nhằm trang bị cho giới sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động. Và hoạt động thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp tập trung vào một số nội dung yếu tố đặc trưng của ngành. Nhằm nắm bắt tình hình thực tiễn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và chấn chỉnh việc thực hiện quy định, đảm bảo điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động.
Công tác thanh tra tập trung vào các vấn đề: Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; Tiền lương; Dụng cụ bảo vệ cá nhân; Đường đi lại nội bộ và cửa thoát hiểm; Rủi ro về điện; Ánh sáng và nồng độ bụi; Lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch ATVSLĐ; Huấn luyện ATVSLĐ.
Vi phạm nhiều nhất trong ngành dệt may là huy động người lao động làm thêm quá số giờ quy định (ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, qua thanh tra, các đoàn thanh tra đã phát hiện 1.786 sai phạm (trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp), lập 19 biên bản vi phạm hành chính để xử lý 19 doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật lao động với tổng số tiền xử phạt gần 600 triệu đồng. Đồng thời, đoàn thanh tra đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các kiến nghị nhằm khắc phục những sai phạm trên.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý khẳng định Chiến dịch thanh tra lao động năm 2015 trong ngành may mặc đã thành công tốt đẹp. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của ILO và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc triển khai chiến dịch này.Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đây là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại những ưu điểm cũng như hạn chế trong quá trình triển khai từ đó rút ra những kinh nghiệm bổ ích nhằm đạt kết quả cao hơn trong các chiến dịch thanh tra sắp tới. Đặc biệt, qua đây, chúng ta có thêm cơ sở để kiến nghị, tham mưu xử lý những vấn đề đang còn bất cập trong việc tuân thủ pháp luật lao động hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe và quyền lợi cho người lao động, bảo đảm sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và toàn xã hội”.
Tại hội nghị các đại biểu đã thẳng thắn góp ý cho kết quả của Chiến dịch thanh tra lao động năm 2015, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong việc triển khai Chiến dịch Thanh tra từ đó đề xuất một số ý kiến để cải tiến chiến dịch trong thời gian tới. Theo ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2015 trong ngành may mặc có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo sự tuân thủ những quy định pháp luật của Việt Nam, đồng thời đảm bảo những nguyên tắc cơ bản và quyền cơ bản tại nơi làm việc, duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Được biết, may mặc là nghành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm qua, chiếm 13,6% doanh thu xuất khẩu và 10,5% tổng GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng dệt may trong giai đoạn 2008-2013 đạt 14,5%/năm. Hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may, với hơn 2,5 triệu lao động, chiếm khoảng 25% lao động của khu vực kinh tế công nghiệp./.
Từ tháng 6/2015 đến hết tháng 9/205, các đoàn thanh tra đã thực hiện thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn 12 tỉnh. Qua thanh tra, các đoàn thanh tra đã phát hiện 1.786 sai phạm (trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp), qua đó đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các kiến nghị nhằm khắc phục những sai phạm trên. Các đoàn thanh tra đã lập 19 biên bản vi phạm hành chính để xử lý 19 doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động với tổng số tiền xử phạt là 594 triệu đồng. |