THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:40

Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho công dân

 

Tổ trợ giúp pháp lý quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan đến pháp lý cho hội viên phụ nữ trong quận. Ảnh: NGÔ LIÊN

 

Thực tế cho thấy, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý (TVTGPL) cho công dân là rất quan trọng, góp phần hạn chế phát sinh KNTC. Hoạt động này đã được Liên đoàn Luật sư Việt Nam triển khai tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau hai năm hoạt động, đã có hơn 400 luật sư tham gia TVTGPL cho hơn 1,5 nghìn lượt công dân đến KNTC ở nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, phần lớn vụ việc được TVTGPL tại đây đều liên quan đất đai, phức tạp kéo dài. Theo đánh giá của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc luật sư TVTGPL cho người dân ở Trụ sở Tiếp công dân T.Ư đã góp phần giúp và cùng với cơ quan nhà nước tham gia vào công tác giải quyết KNTC của người dân theo đúng quy định pháp luật, làm thay đổi nhận thức người dân về pháp luật theo hướng giúp họ hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ của họ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong giải quyết các vụ việc.

Tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, các luật sư đã thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm nghề nghiệp, luôn để người dân hiểu rằng luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý một cách trung thực, khách quan, độc lập, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Khi quyền, lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm thì luật sư TVTGPL để bảo vệ quyền lợi cho họ. Ngược lại, nếu đòi hỏi của người dân không có cơ sở pháp lý thì luật sư có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn, khuyên giải, cân nhắc phương án nên hay không nên tiếp tục KNTC, để không tốn công sức, tiền của, thời gian, đồng thời phải khéo léo, tế nhị để tạo được niềm tin của người dân vào hoạt động TVTGPL tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, giúp họ tin tưởng hơn vào pháp luật, hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ pháp luật mà họ tham gia hay đang theo đuổi. Tuy nhiên, việc xử lý, giải quyết KNTC tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư thông qua TVTGPL sẽ tốt hơn nữa nếu hoạt động tiếp tục được kiện toàn nâng cao hiệu quả. Các cơ quan chức năng liên quan cần hỗ trợ tốt cho luật sư để họ có thể hiểu đầy đủ vụ việc đã được cơ quan nào giải quyết, giải quyết đến đâu, cần tiếp tục góp sức vào công việc này thế nào cho phù hợp pháp luật. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và luật sư đối với vụ việc khiếu kiện đông người để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Qua TVTGPL, các luật sư thấy rằng, UBND các cấp cần hạn chế phát sinh KNTC ngay tại cơ sở bằng cách huy động Đoàn Luật sư, Hội Luật gia và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động TVTGPL, hạn chế “đẩy” vụ việc về cơ quan T.Ư giải quyết. Theo luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một trong những nguyên nhân nữa khiến phát sinh KNTC là do phần lớn người dân đi KNTC không hiểu thẩm quyền, không rõ thủ tục giải quyết trong các quan hệ pháp luật. Phần lớn người dân không am hiểu pháp luật một cách hệ thống và đầy đủ. Họ cho rằng, khi quyền lợi bị xâm phạm thì khiếu kiện đến cùng, kể cả trường hợp hết thời hạn và thời hiệu khởi kiện, biết cơ quan nhà nước hết thẩm quyền giải quyết nhưng họ vẫn “kêu”. Để phát sinh KNTC, KNTC đông người, phức tạp, có nguyên nhân từ việc chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ cho người dân, chưa giúp họ hiểu rõ quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong các quan hệ pháp luật liên quan lợi ích hợp pháp của họ. Làm sao để người dân hiểu, tin tưởng về chính sách pháp luật để tự giác chấp hành, đó mới là cái gốc giải quyết vấn đề.

 

Từ năm 2012 đến tháng 6/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 17.630 lượt đơn KNTC về tranh chấp đất đai của 7.227 vụ việc. Trong 271 vụ việc thuộc thẩm quyền, Bộ đã xác minh 221 vụ, trong đó 57 vụ địa phương giải quyết đúng pháp luật, 20 vụ địa phương giải quyết lại, chín vụ KNTC đúng, ba vụ hòa giải thành công và có tới 132 vụ công dân KNTC sai.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh