THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:30

Điều chỉnh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

Thứ trưởng Phạm Minh Huân phát biểu tại hội thảo

 

Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013, gồm 17 chương, 242 điều. Các đại biểu dự hội thảo đánh giá: Qua ba năm thực thi, Bộ luật đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống một cách tích cực. Thông qua các quy định: Khái niệm cưỡng bức lao động; đối xử bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ; tiêu chí và cơ chế xác định tiền lương tối thiểu... Bộ luật đã có bước tiến mới, nhằm hài hòa các quy định về vấn đề lao động trong các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

 

 Thứ trưởng Phạm Minh Huân và đại diện USAID GIG

Tuy nhiên, dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, nhưng một số quy định của Bộ luật vẫn dừng ở những quy định có tính chất chung, cần nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, một số văn bản được hướng dẫn chậm nên thiếu đồng bộ, một số nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, nhất là cam kết về lao động của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động là hết sức cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc, điều chỉnh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

 

 

Thể hiện sự quan tâm về cơ cấu tiền lương, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ rõ: Bộ luật Lao động quy định việc trả lương phải được thực hiện một cách bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Đặc biệt, Bộ luật Lao động bổ sung quy định việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó có sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động trong điều kiện diễn biến phức tạp của kinh tế thị trường, giúp người lao động có khả năng phục hồi sức lao động. Nhưng một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng làm lúng túng, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể, cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt (chủ yếu dựa trên quy định tiền lương tối thiểu do Chính phủ quy định hàng năm và thang bảng lương) dẫn đến tình trạng năng suất, chất lượng lao động chưa cao.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tham gia Hội thảo 

Trên thực tế, dù đã nhiều lần thực hiện cải cách tiền lương, nhưng đến nay mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Xuất phát từ thực trạng trên nhiều đại biểu kiến nghị: Tăng lương tối thiểu là vấn đề lớn không chỉ đối với Việt Nam mà đối với tất cả các nước trong khu vực vì nó gắn liền với năng lực cạnh tranh quốc gia; do đó đối với cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp cần quy định rõ về phụ cấp lương, các khoản hỗ trợ, khuyến khích, bổ sung khác. Về mức lương tối thiểu, cần có căn cứ rõ ràng và hợp lý khi tăng lương tối thiểu. Để lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu cũng như thực hiện theo cơ chế thị trường, cần ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, có như vậy mới xây dựng được cơ chế tiền lương phù hợp.

 

 


Thiều Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh