THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:34

Quy định thiếu thống nhất về trợ giúp pháp lý cho trẻ em

 

Ths Đặng Thị Loan cho biết, trợ giúp pháp lý cho trẻ em đứng thứ 5 trong tổng sống 8 diện người được trợ giúp pháp lý: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, người có HIV, người dân tộc thiểu số, nạn nhân của tội phạm mua bán người và người thuộc diện được trợ giúp pháp lý khác.

Việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em được tiến hành thông qua nhiều hoạt động: Truyền thông pháp luật; trợ giúp pháp lý lưu động; sinh hoạt Câu lạc bộ pháp lý; đại diện, bào chữa miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên trong tố tụng...

 

Luật sư đang trợ giúp pháp lý cho học sinh.

 

Tuy nhiên, theo Ths Loan, quy định pháp luật về việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em còn nằm rải rác ở nhiều văn bản trong khác lĩnh vực pháp luật khác nhau: Hình sự, dân sự, hôn nhângia đình... Các quy định chưa thống nhất, chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, nên người chưa thành niên ở độ tuổi từ 16-18 có nơi nương tựa chưa được hưởng sự trợ giúp pháp lý. Ths Loan lấy dẫn chứng: Theo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004) thì tất cả trẻ em đều được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định đối tượng trẻ em được trợ giúp pháp lý là trẻ em không nơi nương tựa. Hiện theo quy định tại dự thảo của Luật Trợ giúp pháp lý: Đối tượng trợ giúp pháp lý phải là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Một số văn bản quy định chưa thống nhất, đồng bộ. Theo dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý thì một trong những hình thức trợ giúp pháp lý cho trẻ em do các Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện là tham gia tố tụng, trong đó bao gồm cả việc bào chữa cho trẻ em phạm tội. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, việc bào chữa cho người chưa thành niên (bao gồm cả trẻ em) do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định.

Một khó khăn lớn nhất khi tiến hành trợ giúp pháp lý cho trẻ em chính là thiếu đội ngũ trợ giúp pháp lý. Theo số liệu từ Bộ Tư pháp, cả nước có 595 trợ giúp viên pháp lý, 1.239 cộng tác viên trợ giúp pháp lý là luật sư, 10.632 cộng tác viên khác tham gia trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa số lượng người trợ giúp pháp lý còn rất hạn chế. Vì vậy, chưa có đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chuyên trách cho các đối tượng trợ giúp pháp lý đặc thù, trong đó có trẻ em.

Năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý còn hạn chế, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi cũng như những kỹ năng trợ giúp pháp lý cần thiết cho các nhóm đối tượng này nên chưa thực sự đáp ứng được những đòi hỏi của công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em.

Một số cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa tích cực phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý nên nhiều trường hợp trẻ em có nhu cầu trợ giúp pháp lý chưa biết và chưa tiếp cận được với dịch vụ này. Nguyên nhân là do nhận thức về quyền trẻ em chưa toàn diện, mới chỉ tập trung đến các quyền về vật chất hoặc y tế, giáo dục, văn hóa mà chưa nhận thức được vai trò của việc giáo dục pháp luật đối với sự phát triển của các em.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, người tiến hành tố tụng nhận thức chưa thật sự đầy đủ về công tác trợ giúp pháp lý, cho rằng trợ giúp pháp lý là hoạt động làm cản trợ quá trình tiến hành tố tụng, đặc biệt ở giai đoạn điều tra nên chưa tích cực phối hợp hoặc sự phối hợp còn mang tính hình thức.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh