Tự hào về mẹ: 70 năm – Chuyện bây giờ mới kể
- Người có công
- 13:49 - 05/01/2018
Tuổi 17 - Kiên định lý tưởng cách mạng
Mẹ Sao kể, tôi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng vào năm 1948 (lúc mẹ 17 tuổi). Lúc đó, tham gia phong trào công tác thiếu nhi xã vận động các chị em cùng trang lứa làm công tác tải đạn, tải thương và nuôi giấu cán bộ cách mạng về nằm vùng.
Vào những năm 1949 - 1950, cuộc chiến giữa quân ta và địch diễn ra vô cùng các liệt ở vùng Tây Nam Bộ, cán bộ cách mạng của chúng ta hy sinh cũng rất nhiều vì vậy người dân vùng Tiền Giang nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung đã dùng mọi kế sách nhằm bảo toàn lực lượng cán bộ cách mạng.
Rồi năm 1949 mẹ lấy chồng là ông Nguyễn Trường Toại cũng là cán bộ cách mạng và sinh được 8 người con. Nhìn cảnh quê hương chìm trong khói lửa, lòng không yên, mẹ cùng chồng không chỉ lao động nuôi con mà còn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Chị Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang tới thăm mẹ Nguyễn Thị Sao
Ngoài tham gia giao liên, nuôi giấu cán bộ cách mạng, mẹ còn đảm nhận một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là làm “bà mụ” cho các chị em phụ nữ trong huyện. Lúc đó, vùng nông thôn đường xá chia cắt khó đi bom đạn bắn phá ngày đêm nên đa phần vợ con các chiến sĩ cách mạng đều tự sinh con ở nhà. Mẹ kể.
Bất kể ngày hay đêm, sớm hay muộn, xa hay gần hễ nơi nào có người chuẩn bị sinh thì mẹ đều cầm đèn lặn lội đến nơi để hộ sinh cho chị em. Nhiều đêm mẹ đi lúc khuya nên phải la lớn là “ đi đẻ nha” để lính biết được khỏi bắn. Mẹ kể có những đêm đến 2 – 3 người sinh nên đi sáng cả đêm mới về nhà. Rồi các cán bộ cử mẹ đi học thêm 6 tháng về y khoa để về phục vụ cho bà con và cách mạng. Mẹ nhớ lại.
Vào những năm 1967 – 1968, các Tiểu đoàn “309F”, “261”, “263” của bộ đội miền Bắc vào hoạt động trong miền Nam. Không quen địa hình vùng sông nước, các chiến sĩ cách mạng phải ẩn vào trong dân để thuận tiên hoạt động. Hàng ngày mẹ nấu cơm rồi lén lút đem xuống hầm cho các chiến sĩ ăn, nhà có gì thì dùng cái đó khi thì rau luộc, mắm kho quẹt khi bắt được con cá con cua thì được ăn ngon hơn.Nhưng đến giờ này các anh không thể nào quên những bữa cơm ấy của mẹ.
Mẹ Nguyễn Thị Sao
Vào những năm đó chiến trường ác liệt, các chiến sĩ cách mạng hy sinh nhiều nên cần sự đùm bọc của người dân. Mẹ cùng các chị em phụ nữ trong thôn đào hầm bí mật tại nhà, ngoài vườn, ngoài buội tre, bờ kênh xung quanh nhà đâu đâu cũng có hầm bí mật để các cán bộ cách mạng có thêm địa điểm an toàn hoạt động. Để qua mắt được bọn lính, mẹ phải ngụy trang đủ kiểu hầm khác nhau khi thì hầm “Bê – em”, khi thì tận dụng những cái lu nước ở nhà. Chiến sĩ cách mạng chui vào trong lu, mẹ đậy nắp lại chỉ chừa mộ cái ống nhỏ thông ra ngoài để thở rùi mẹ nhấn cái lu xuống sình không tài nào bọn lính phát hiện ra. Thông dụng nhất lúc đó là các Mẹ hay đào hầm chữ “ L” nhằm tránh lính phát hiện ra dội bom vào sẽ không nguy hại đến tính mạng. Sau một thời gian, địa điểm nuôi giấu cán bộ cách mạng tại nhà mẹ bị địch nghi ngờ. Chúng lùng sục tìm kiếm nhưng không thấy, chuyển sang đập phá đồ đạc và liên tục gây chuyện với gia đình mẹ. Không vì vậy mà tinh thần yêu nước và ý chí diệt thù của mẹ nao núng. Mẹ nghĩ ra nhiều kế để nuôi giấu bảo toàn lực lượng cho các chiến sĩ cách mạng.
Mẹ của nhiều con
Mẹ! Tiếng gọi chỉ thế thôi nhưng chất chứa bao niềm tự hào. Mẹ sinh con ra, chăm con trong bao nhiêu khó nhọc nhưng sẵn sàng cho con lên đường theo tiếng gọi núi sông. Trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, có rất nhiều người mẹ đã âm thầm giấu lệ tiễn người thân ra trận. Rồi không ít lần mòn mỏi trông tin và hơn một lần vỡ vụn khi hay những đứa con thân yêu của mình hy sinh.
Chồng mẹ là liệt sĩ Nguyễn Trường Toại ( sinh năm 1925), ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng lúc còn tuổi thanh thiếu niên. Rồi sau đó được cách mạng tín nhiệm giao trọng trách làm thư ký xã Kim Sơn, Châu Thành, Tiền Giang. Ngoài việc tích cực tham gia sản xuất cung tiếp lương thực cho cách mạng ông còn đi khắp nơi vận động bà con đóng góp lương thực để nuôi cách mạng.Ông bị lính cài người theo dõi, năm 1971 trong lần đi giao liên ông bị lính bắn và hy sinh. Kể từ ngày tiễn chồng, mẹ Nguyễn Thị Sao bắt đầu những ngày làm người mẹ đơn thân. Là người phụ nữ không mạnh mẽ nhưng mẹ Sao tập cho mình sự cứng cỏi đủ để che chở các con và đương đầu với sự nhòm ngó của bọn giặc và lũ tay sai.
Trước sự đàn áp bọn địch lập ấp chiến lược khắp nơi hòng chia rẽ cách mạng và nhân dân. Dù ở tuổi thanh thiếu niên nhưng người con đầu của mẹ Nguyễn Văn Bé ( sinh năm 1955) đã tiếp nối cha mẹ tham gia vào đội viên Đội du kích xã. Khi mới 13 tuổi , anh đã đóng giả đi bán “Cà – Rem” để nắm tình hình của địch và trực tiếp giao thư cho các chiến sĩ cách mạng biết.
Sau khi chồng hy sinh, mẹ Sao nén nỗi đau vào lòng. Mẹ lặng lẽ với cuộc sống, vừa lo việc nước, vừa lo việc cùng các con với kỳ vọng sớm ngày độc lập. Nhưng một lần nữa, nỗi đau xé lòng mẹ khi nhận tin dữ về anh Nguyễn Văn Bé hy sinh trong một trận đánh ác liệt.
Càng thương tiếc chồng con, mẹ Sao càng căm thù giặc. Mẹ trở nên mạnh mẽ và kiên gan hơn bao giờ hết, mẹ hăng hái hoạt động cơ sở, tiếp tế lương thực và nuôi giấu chiến sĩ cách mạng cho đến ngày quê hương giải phóng. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng sự mất mát đau thương vẫn còn. Có những nỗi buồn khôn tả và những hình ảnh, kỷ niệm khó phai mờ trong mẹ. Ở tuổi về chiều, nước mắt mẹ lặng lẽ rơi. Có lẽ những ký ức và nỗi đau thương mất mát nhưng rất đỗi tự hào sẽ theo mẹ đến mãi những ngày sau.
Hiện tại, mẹ đang sống cùng người con út. Ở cái tuổi 87 nhưng mẹ còn rất minh mẫn và vui vẻ khi chúng tôi đến nhà thăm. Mẹ khoe, hôm 27/7, mẹ cùng đoàn người có công tiêu biểu của tỉnh ra thăm Hà Nội. Nghe tin mẹ ra, các con của mẹ ( là những chiến sĩ cách mạng ngày xưa mẹ bao bọc và cưu mang) đến đón mẹ đi chơi khắp nơi. Sau những lúc hồi tưởng lại ký ức đau buồn, tôi đã động viên và hỏi về sở thích của mẹ. Mẹ đã lấy lại tinh thần và hát cho chúng tôi nghe hàng loạt các bài như: Kỵ binh Việt Nam; Lên Đàng, Cây súng diệt thù, cây lúa nuôi quân; Mùa đông binh sĩ… Giọng mẹ trong trẻo và hào hùng vang lên…
“Rần rần đoàn hùng binh ta tiến...
Tinh thần thượng võ luôn tươi sáng ngàn thu của người Việt Nam”.
( Kỵ binh Việt Nam – Nguyễn Minh Triết)