THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:58

Truyền thông nâng cao vai trò của Công tác xã hội với biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Ngày 13/9, tại TP. Hải Dương, Tạp chí Lao động và Xã hội cùng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức Hội thảo " Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu". Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

"Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai"

  • Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm bởi nó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu của chúng ta, và cũng đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

"Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Bộ LĐ-TB&XH xác định thông tin truyền thông là nhiệm vụ quan trọng đi trước góp phần xử lý kịp thời, hỗ trợ người dân chủ động, tích cực ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân sống chung với lũ, phản ứng nhanh với sạt lở, lũ lụt" – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Truyền thông nâng cao vai trò của Công tác xã hội với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ông Trần Ngọc Diễn -Tổng biên tập Tạp chí Lao động Xã hội chia sẻ tại hội thảo

Người nghèo là nhóm đối tượng yếu thế dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu

Theo báo cáo về sự phát triển của con người năm 2007/2008 (UNDP) chỉ ra rằng "Rủi ro do BĐKH sẽ tác động đến 40% những người nghèo nhất của thế giới – vào khoảng 2,6 tỷ người – bị giảm hoặc mất các cơ hội trong tương lai".

Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu là nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Họ có thể là những hộ gia đình nghèo, hoặc khó khăn về điều kiện kinh tế, hoặc là những người bị tàn tật, yếu sức khỏe, người già, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Bản thân những đối tượng trợ giúp xã hội thường có năng lực phòng ngừa thấp hơn những người khác do điều kiện kinh tế và do năng lực cá nhân, khả năng khắc phục các hậu quả của đối tượng này cũng hạn chế. Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan tác động đến những đối tượng này nhằm vào tính mạng, sức khỏe và tài sản. Công tác xã hội tiếp tục được quan tâm, triển khai để hỗ trợ cho nhóm đối tượng trợ giúp xã hội. Đến hết năm 2018, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2,8 triệu người, trong đó có 42.434 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; hơn 1,6 triệu người cao tuổi; hơn 1 triệu người khuyết tật đang được hưởng trợ cấp; 4.389 người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo...

Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều thành tựu trong lĩnh vực giảm nghèo, bằng việc đã và đang áp dụng nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo với nhiều dịch vụ công tác xã hội hiệu quả.

Truyền thông nâng cao vai trò của Công tác xã hội với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

TS. Phạm Thị Huế Trường Đại học Lâm nghiệp nêu những cơ sớ thực tiễn trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn thiếu một số dịch vụ công tác xã hội cho người nghèo. Nhất là người nghèo chưa được tiếp cận với dịch vụ tham vấn trực tiếp, dịch vụ vận động tham gia xây dựng chính sách, dịch vụ biện hộ hay hỗ trợ kết nối, huy động nhiều nguồn lực bên trong và bên ngoài vào quá trình giải quyết vấn đề… Công tác xã hội với người nghèo cần đảm bảo là hoạt động trợ giúp chuyên nghiệp nhằm nâng cao năng lực, chức năng xã hội của người nghèo; thúc đẩy các chính sách liên quan tới nghèo đói; huy động các nguồn lực, dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo giải quyết vấn đề nghèo đói và hướng tới bảo đảm An sinh xã hội. Đặc biệt, người nghèo cần được trang bị kiến thức về sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Do đó, định hướng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu với góc độ lĩnh vực công tác xã hội chủ yếu tập trung vào các giải pháp lồng ghép chính sách, xây dựng và phát triển các chương trình hỗ trợ, kết nối để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hoá sinh kế cho người dân nhằm hướng tới: Giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh con người, đặc biệt các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất; Coi trọng việc nâng cao năng lực tự ứng phó của người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trước tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng; công tác xã hội cần thực hiện tốt tất cả các vai trò, trong đó cần làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực nhằm phục hồi, cải thiện và đa dạng các điều kiện sinh kế để đảm bảo đời sống người dân các vùng dễ bị tổn thương.

Truyền thông nâng cao vai trò của Công tác xã hội với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Đông đảo phóng viên dự Hội thảo " Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu".

Nâng cao vai trò của Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu

Tuyên truyền, phổ biến thông tin, tập huấn nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam là một trong những giải pháp rất được chú trọng.

Trong những năm qua, triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ LĐ-TBXH (Quyết định 403/QĐ-LĐTBXH ngày 31/3/2011 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH), qua các năm, Bộ LĐ-TBXH đã tiến hành tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ ngành các cấp nói chung và cán bộ công tác xã hội nói riêng. Công tác truyền thông nhằm cung cấp thông tin và kiến thức cho người dân và các cán bộ địa phương về biến đổi khí hậu cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Truyền thông nâng cao vai trò của Công tác xã hội với biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Nhà báo Nguyễn Trung Chính, Q. Tổng biên tập báo LĐ&XH chia sẻ kinh nghiệm báo chí viết về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để nâng cao nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, trong thời gian tới công tác truyền thông của các cơ quan báo chí về lĩnh vực này cần tập trung vào các nội dung: Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền nhằm tăng cường sự tác động nhiều chiều đến sự phát triển nghề công tác xã hội; Chú trọng truyền thông những vấn đề nổi cộm, hạn chế đang cản trở sự phát triển mạng lưới công tác xã hội; Phối hợp liên kết truyền thông về công tác xã hội với thông tin, truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, văn hóa; Tăng cường vai trò thông tin dự báo, nhất là từ những nghiên cứu các vấn đề thực tiễn; Chú trọng tập huấn, đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên về xã hội có kiến thức và kỹ năng cơ bản; Chú trọng khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác…


QUANG DƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh