THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:03

Hải Phòng: Nâng cao nhận thức phòng, chống tội phạm mua bán người

 

 - Ảnh 1

Tập huấn công tác phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

 

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đấu tranh tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người được Hải Phòng đặt lên hàng đầu.

Trước đó, trong tháng 5/2019, Chi cục Phòng,chống tệ nạn xã hội Hải Phòng phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện An Dương, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone… cho các Bí thư, trưởng thôn, Hội phụ nữ, Hội nông dân, các hộ gia đình có nạn nhân bị mua bán trở về, hộ gia đình có người kết hôn có yếu tố nước ngoài, hộ gia đình có người nghiện ma túy tại các xã An Đồng (huyện An Dương), xã Hòa Bình (huyện Thủy Nguyên), xã Hòa Bình, Lý Học (huyện Vĩnh Bảo).

Tại hôi nghị này, Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản liên quan đến công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân; cung cấp thông tin về tình hình mua bán người hiện nay trên thế giới, tại Việt Nam và TP Hải Phòng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; các chế độ chính sách hỗ trợ nạn nhân; trình tự, thủ tục và trách nhiệm hỗ trợ nạn nhân được phổ biến rõ. Hội nghị đã phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn các huyện, thúc đẩy địa phương tích cực tuyên truyền, vận động mọi người dân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về, người cai nghiện, người điều trị methadone hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống; thực hiện lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân với các chương trình kinh tế - xã hội khác của địa phương như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Cũng trong tháng 5/2019, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hải Phòng cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho 340 người là lãnh đạo và cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội 15 quận, huyện và 223 xã phường, thị trấn, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Trường Lao động Xã hội Thanh Xuân. Tại đây, các đại biểu được tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người, hướng dẫn về công tác tiếp nhận, hỗ trợ, chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán trở về, quy trình tiếp nhận, xác định và hỗ trợ nạn nhân. Các đại biểu cũng có dịp chia sẻ, trao đổi những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm thực tế trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân; các báo cáo viên đã giải đáp thắc mắc của các đại biểu nhằm thực hiện tốt công việc tại địa phương.

 Cần cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Tệ nạn buôn bán người đặc biệt là phụ nữ luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do yếu tố về kinh tế khó khăn, thiếu việc làm cũng như nhận thức kém, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dẫn đến họ dễ bị lừa gạt và trở thành nạn nhân. Bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi là một trong các điều kiện thuận lợi cho các tội phạm mua bán người hoạt động phạm tội. Các đối tượng mua bán người có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và với người nước ngoài để hình thành các đường dây tội phạm khép kín. Nhiều đối tượng, từ nạn nhân, nghe theo lời dụ dỗ, rủ rê của kẻ xấu, họ đã trở về quê hương biến mình thành những “mẹ mìn” chuyên đi lôi kéo, lừa gạt những nạn nhân khác.

 

 - Ảnh 2Các thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc được giải cứu về Việt Nam. 


Với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi như thông qua con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp trở về Việt Nam, các đối tượng buôn bán thường đến các vùng nông thôn lợi dụng mối quan hệ họ hàng, quen biết để dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn tìm kiếm việc làm ở những nơi có thu nhập cao, cuộc sống nhàn hạ sau đó đưa thẳng qua biên giới chuyển cho đồng bọn bán sang Trung Quốc (chiếm 90% trong tổng số các vụ việc đã xảy ra) ép làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc cướng bức lao động, nếu muốn về nước phải bỏ một lượng tiền lớn để chuộc. Đặc biệt hiện nay, tội phạm mua bán người triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook,…), trò chơi trực tuyến trên internet để làm quen, kết bạn,  tạo dụng lòng tin, quan hệ yêu đương với các cháu gái có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý của gia đình để lừa bán ra nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hải Phòng cho rằng, để khắc phục vấn nạn này, những năm trở lại đây, thành phố đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đấu tranh tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ  và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán  người. Đặc biệt, cần huy động sức mạnh đồng bộ và sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân.

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh