Liên hợp quốc kêu gọi hành động khẩn cấp trong vấn đề biến đổi khí hậu
- Tây Y
- 01:21 - 01/07/2019
Khói mù ô nhiễm bao phủ Sydney, Australia. (Nguồn: AFP/TTXVN).
TTXVN cho hay: Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày 28-29/6 vừa qua tại Osaka (Nhật Bản), các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đã nỗ lực hướng sự chú ý của G20 đến vấn đề biến đổi khí hậu.
Phát biểu với báo giới tại Osaka (Nhật Bản), nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định tình trạng biến đổi khí hậu đang tồi tệ hơn chúng ta dự đoán trước đó, thể hiện qua các đợt sóng nhiệt ở châu Âu, hạn hán ở châu Phi, các cơn bão ở châu Phi và khu vực Caribe, cũng như một loạt thiên tai ngày càng thảm khốc xảy ra với tần suất ngày một tăng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, ý chí chính trị để giải vấn đề này dường như còn yếu ớt.
Ông Guterres gọi đây là một “bài toán cần lời giải." Ông Guterres cũng đề cập đến báo cáo tháng 10/2018 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), trong đó nêu rõ vào trước cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trái đất không được vượt 1,5 độ C so với các mức ở thời kỳ tiền công nghệp.
Điều này đòi hỏi thế giới thực hiện mục tiêu giảm lượng phát thải khí carbon xuống bằng 0 vào năm 2050.
Tổng Thư ký Guterres cũng nhắc đến Hội nghị hành động khí hậu tháng Chín của Liên hợp quốc dự kiến diễn ra tại New York, nơi ông sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết mạnh mẽ hơn với các hành động chống biến đổi khí hậu, trong đó có việc thu phí carbon, bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, và không chấp nhận những kế hoạch xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh các nền kinh tế G20 chiếm đến 80% lượng khí thải gây biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi G20 cam kết mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế và tài chính quốc tế.
Đề cập đến Hội nghị hành động khí hậu 2019, dự kiến diễn ra tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York từ ngày 21-23/9, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa Garces nói rằng hội nghị sẽ là một phép thử đối với năng lực của hệ thống đa phương này.
Liên quan đến vấn đề trên, báo Tài nguyên và môi trường viết: Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Maria Fernanda Espinosa, chăm sóc thiên nhiên về bản chất chính là chăm sóc con người. Bà cũng lưu ý tầm quan trọng của việc quý trọng chu kỳ cuộc sống của thế giới tự nhiên và góp phần vào đa dạng sinh học để thế giới có thể “tiếp tục và thịnh vượng”.
“Chúng ta là thế hệ cuối cùng có thể ngăn chặn thiệt hại không thể khắc phục đối với hành tinh và con người. Chúng ta đang ở một ngã tư; đây là thời điểm mà chúng ta quyết định con đường chúng ta muốn đi, để tránh đạt đến điểm không thể quay trở lại trong sự nóng lên toàn cầu. Chúng ta đã biết hậu quả sẽ xảy ra nếu không tiến hành bất kỳ hành động nào về BĐKH” – bà Maria Fernanda Espinosa nhấn mạnh.